Cần nâng cao nguồn thu qua việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ thu hút người học.

Cần nâng cao nguồn thu qua việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ thu hút người học.

để khắc phục những tồn tại, thời gian tới cần đổi mới phương thức phân bổ ngân sách nhà nước (NSNN) cho giáo dục đại học (GDĐH), theo các phương thức chi mới như đặt hàng, đấu thầu gắn với kết quả đầu ra, giảm dần phân bổ theo nhiệm vụ.

PV: Tự chủ GDĐH đã được Chính phủ đặt ra từ năm 2005. Đến nay, nhiều trường đại học tự chủ đã khẳng định được sự phát triển của mình, tuy nhiên vẫn còn vướng mắc. Ông có thể cho biết những vướng mắc của các trường đại học hiện nay là gì?

- Ông Phạm Văn Trường:

Đối với GDĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hiện đang chủ trì xây dựng trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định chế độ tự chủ đối với các cơ sở GDĐH công lập, trong đó có tự chủ tài chính. Như vậy, hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật chính thức quy định về cơ chế tự chủ tài chính riêng của các cơ sở GDĐH công lập. Các cơ sở GDĐH công lập thực hiện cơ chế tài chính theo quy định chung tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015.

Một số điểm vướng mắc khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở GDĐH công lập đã được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính đánh giá. Theo đó, còn những vướng mắc về cơ sở, phương thức chi NSNN và nguồn thu của cơ sở GDĐH.

Ông Phạm Văn Trường
Ông Phạm Văn Trường
Về cơ sở để phân bổ NSNN chưa gắn với tiêu chí chất lượng và kết quả đầu ra, về cơ bản còn dựa trên khả năng của NSNN và các yếu tố đầu vào khác (quy mô, số lượng sinh viên; số lượng nhân viên; lịch sử phân bổ NSNN các năm trước...). Về phương thức, chưa thực hiện xây dựng chính sách phân bổ NSNN dựa trên đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công mặc dù đã có các văn bản pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, nguồn thu học phí của cơ sở GDĐH công lập còn bị hạn chế do mức học phí chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, các bậc đào tạo. Việc xác định giá dịch vụ đào tạo tại thời điểm hiện nay chưa tính đủ các chi phí thực tế phát sinh (tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định) nên mức thu học phí còn thấp. Ngoài ra, các cơ sở GDĐH chưa chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nên nguồn thu từ các hoạt động này còn khiêm tốn.

PV: Thời gian tới sẽ phân bổ nguồn lực tài chính cho các trường đại học ra sao và với những trường tự chủ tài chính, chúng ta sẽ cắt toàn bộ ngân sách hay chỉ một phần, thưa ông?

- Ông Phạm Văn Trường: Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương quán triệt mục tiêu “phấn đấu bảo đảm 20% tổng chi NSNN cho giáo dục, đào tạo” và “Nhà nước tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường đại học công lập ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế”.

Về cơ cấu lại chi NSNN cho GDĐH, NSNN sẽ chi cho số lượng cơ sở GDĐH đã cơ cấu lại, tập trung cho các cơ sở chất lượng cao, có tính chất đặc thù; tránh việc chi cho cơ sở hoạt động không hiệu quả hoặc không cần thiết phải duy trì hoạt động, bao gồm cả những trường sư phạm đào tạo giáo viên.

Bên cạnh đó, cần đổi mới phương thức phân bổ ngân sách cho GDĐH để khắc phục những tồn tại như tôi đã nói ở trên. Cụ thể là phân bổ theo phương thức chi mới như đặt hàng, đấu thầu gắn với kết quả đầu ra, gắn với số lượng và chất lượng dịch vụ, giảm dần phân bổ ngân sách theo nhiệm vụ; đồng thời thực hiện kiểm soát đảm bảo chất lượng dịch vụ công trong GDĐH.

Để thực hiện những chủ trương này, Bộ Tài chính cần có sự phối hợp của Bộ GD&ĐT. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, các địa phương (cơ quan chủ quản của các cơ sở GDĐH công lập) thực hiện tốt nhiệm vụ đã được quy định tại Nghị quyết số

19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về “Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục – đào tạo hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học. Sắp xếp, tổ chức lại, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục”. Đồng thời, đề nghị Bộ GD&ĐT chủ trì, nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ các quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chí chất lượng và chuẩn kết quả đầu ra trong GDĐH, làm căn cứ nghiên cứu thay đổi phương thức phân bổ, sử dụng NSNN cho GDĐH.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Sau khi nghị định ban hành, đề nghị Bộ GD&ĐT chủ động nghiên cứu để hướng dẫn triển khai. Theo đó đối với các dịch vụ GDĐH đủ điều kiện sẽ thực hiện cung cấp qua phương thức đấu thầu, tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các cơ sở GDĐH không phân biệt công lập/ngoài công lập, được tiếp cận cơ hội như nhau trong việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công về GDĐH có sử dụng NSNN.

Với kế hoạch này, các trường tự chủ tài chính được tham gia bình đẳng vào việc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong GDĐH, nghĩa là không có chuyện “cắt” NSNN, chỉ là thay đổi phương thức về chi NSNN cho GDĐH.

PV: Theo ông, đâu là những giải pháp quan trọng nhất để nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính của các trường đại học?

- Ông Phạm Văn Trường: Ngoài việc thực hiện đổi mới cơ cấu, phương thức chi NSNN cho GDĐH nêu trên, các cơ sở GDĐH phải chủ động và nâng cao tự chủ trong quản trị nhiệm vụ chuyên môn, quản trị tài chính. Theo đó, cần mở rộng nguồn thu qua việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ thu hút người học, “thắng” trong đấu thầu cung cấp dịch vụ công từ NSNN; tạo nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ để tăng nguồn lực tài chính.

Ngoài ra, cần tự chủ trong việc sắp xếp, bố trí bộ máy và nhân sự... nâng cao khả năng quản trị để sử dụng nguồn lực tài chính một cách hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!

Minh Anh (ghi)