Ảnh T.L minh họa
Theo đó, đề án tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường.
Đồng thời, thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước để doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; quốc phòng, an ninh; lĩnh vực độc quyền tự nhiên; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
Cũng theo đề án, DNNN tập trung thực hiện đầu tư vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ; hoạt động trong những ngành, lĩnh vực mang tầm chiến lược, có tính dẫn dắt, định hướng xây dựng nền kinh tế tri thức, có hàm lượng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế. Các doanh nghiệp nhà nước nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh, tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, thực hiện kiện toàn, nâng cao năng lực quản lý và năng lực quản trị theo chuẩn mực quốc tế; hoạt động của doanh nghiệp nhà nước phải được quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch, bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Với mục tiêu trên, đề án đề ra 9 giải pháp cơ bản để thực hiện. Đầu tiên là tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo các Nghị quyết của Trung ương Đảng tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.
Hai là, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ cho quá trình tái cơ cấu DNNN.
Ba là, rà soát, xử lý dứt điểm các DNNN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện phá sản DNNN theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp.
Bốn là, tập trung triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 - 2020, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong các năm 2016 - 2020.
Giải pháp thứ năm đề án tập trung giải pháp cụ thể đối với Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN, từ việc rà soát, xác định nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính đến xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, xây dựng kế hoạch kinh doanh...
Sáu là, cơ quan đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thông qua người đại diện đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện nghiêm quy định về đăng ký lưu ký, đăng ký giao dịch, đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định.
Bảy là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát DNNN. Nghiêm túc thực hiện quy định về minh bạch, công khai hóa thông tin về hoạt động của DNNN.
Tám là, tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong việc thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp đã được phê duyệt.
Cuối cùng là tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước từ việc định hướng, chỉ đạo quán triệt đầy đủ các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước đến việc tổ chức thực hiện, giám sát quá trình tái cơ cấu theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt./.
Tố Uyên