Tìm cách giải ngân nhanh vốn đầu tư công “Có một sự sốt ruột không hề nhẹ” về giải ngân đầu tư công

Có tình trạng chạy theo thành tích trong xây dựng pháp luật?

Bấm nút tranh luận, đại biểu (ĐB) Cầm Hà Trung (Phú Thọ) đề nghị Phó Thủ tướng trao đổi, làm rõ thêm về những hạn chế liên quan đến công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo ĐB, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng đâu đó vẫn còn lợi ích nhóm, cục bộ ngành chạy theo thành tích trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, ĐB đề nghị Chính phủ đánh giá vấn đề này như thế nào và có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?

Phó Thủ tướng cho biết, để đảm bảo chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, đã có quy định hết sức chặt chẽ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhất là liên quan đến luật, pháp lệnh, nghị quyết. Cơ quan soạn thảo phải tổng kết, đánh giá thi hành, đặc biệt khi xây dựng phải lấy ý kiến đánh giá chính sách của đông đảo nhân dân, các đối tượng bị tác động.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Không có lợi ích nhóm khi xây dựng pháp luật
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Không có lợi ích nhóm khi xây dựng pháp luật

Ngoài ra, phải tổ chức các hội nghị, hội thảo tiếp thu, đánh giá. Cơ quan soạn thảo cần phải xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Chính phủ đưa ra các phiên họp để xem xét các dự thảo luật trước khi trình Quốc hội.

“Đó là quy định hết sức chặt chẽ, nếu tuân thủ nghiêm túc, thì hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ rất khó có thể xảy ra khi xây dựng các văn bản pháp luật” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Chính phủ cũng đưa ra các nhóm giải pháp, như: minh bạch hóa trong quá trình xây dựng; tăng cường trách nhiệm các cơ quan, đặc biệt là vai trò của các bộ trưởng, người đứng đầu; phát huy tinh thần của ban soạn thảo theo đúng tinh thần của luật năm 2015; nâng cao chất lượng thẩm định, thẩm tra của Bộ Tư pháp; kiện toàn, phát huy hiệu quả tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ.

Chậm cổ phần hóa do nhiều doanh nghiệp có tình hình tài chính phức tạp

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nêu câu hỏi: Nhiều ĐB Quốc hội đã chất vấn về tiến trình cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện chậm, không đạt kế hoạch đề ra, gây lãng phí lớn nguồn lực của nhà nước. Tồn tại này không mới và trong trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nêu rõ thực trạng, nguyên nhân cũng như giải pháp. Trong nguyên nhân thì có nguyên nhân khách quan và có nguyên nhân chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan rất lớn. Vậy đề nghị Phó Thủ tướng làm rõ hơn trách nhiệm đối với hạn chế này. Chúng ta đã xử lý trách nhiệm ai chưa và nếu chưa thì tại sao lại chưa xử lý?

Trả lời câu hỏi của ĐB, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, đúng là hiện nay việc CPH không theo kế hoạch, mới đạt 30% đề ra. Có nhiều nguyên nhân gây chậm CPH, như: nhiều doanh nghiệp lớn có tình hình tài chính phức tạp, phải xử lý nhiều vấn đề trước khi thực hiện CPH trong đó có xác định giá trị đất đai…

Bên cạnh đó, nguyên nhân chậm trễ cũng có yếu tố từ việc các quy định mới đòi hỏi quy trình dài hơn. Nhiều DN chỉ đến khi CPH mới sắp xếp lại một số vấn đề như xử lý đất đai. Việc phối hợp các cơ quan chủ sở hữu với các đơn vị có liên quan còn chậm.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục sửa các quy định về CPH, thoái vốn để tháo gỡ khó khăn vướng mắc đẩy nhanh CPH.

“Giải ngân vốn ODA luôn luôn thấp”

ĐB Nguyễn Thị Kim Anh (tỉnh Bắc Ninh) cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước từ nguồn ODA năm 2021 là rất thấp, chỉ đạt 32,85% dự toán. Theo ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, việc cắt giảm bội chi ngân sách trung ương chủ yếu do cắt giảm từ nguồn vốn ODA chưa thực hiện giải ngân phải hủy dự toán lên đến 29,1 nghìn tỷ đồng.

Do đó, ĐB Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân ODA, vốn vay ưu đãi trong thời gian qua, Chính phủ có những chỉ đạo và giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, giải ngân vốn ODA trong năm 2002 và những năm tiếp theo?

Theo Phó Thủ tướng, ODA là nguồn vốn quan trọng góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Tổng nguồn vốn đầu tư này đã đạt 21 tỷ USD. Riêng năm 2022 dự kiến huy động là 2,5 tỷ USD. Đây là nguồn lực cần thiết, cũng không huy động dễ dàng. Việc sử dụng vốn ODA hiệu quả nên các nhà tài trợ, các ngân hàng mới cho chúng ta vay.

“Tuy nhiên, giải ngân trong các năm qua, nguồn vốn này giải ngân luôn luôn thấp. Thường là đầu năm thấp, cuối năm tăng, nhưng so với giải ngân chung là thấp” - Phó Thủ tướng nói.

Nguyên nhân là do đầu năm 2022 tình hình Covid-19 đã ảnh hưởng nhất định đến chuyên gia và nhà tài trợ vào nước ta. Thủ tục quy trình giữa nước ta và các nhà tài trợ có sự khác biệt. Chúng ta mong muốn yêu cầu hài hòa hóa các thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ nhưng cũng rất khó khăn. Mỗi nhà tài trợ lại có một quy định. Có nhà tài trợ yêu cầu, mỗi khi giải ngân 1 nguồn vốn nào đó thì phải có thư không phản đối của nhà tài trợ đó.

Về chủ quan, Phó Thủ tướng cũng thừa nhận công tác lãnh đạo chỉ đạo; năng lực giải ngân còn thấp; nguồn vốn đối ứng, khi có các dự án cam kết có vốn đối ứng nhưng khi có vốn ODA thì lại khó khăn vốn đối ứng.

Thời gian tới, Chính phủ chuẩn bị sửa đổi một số quy định, kể cả quy định mới ban hành nhưng sẽ sửa đổi để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương rà soát hài hòa hóa các nhà tài trợ, thủ tục giải ngân vốn ODA…/.