Hoa Kỳ - thị trường tiềm năng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam
Đồ gỗ chế biến là sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam và rất phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Hoa Kỳ. Ảnh: Khánh Linh

Nông, lâm, thủy sản của hai nước mang tính bổ trợ cho nhau

Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nước đều có thế mạnh về nông nghiệp. Việt Nam có thế mạnh về các cây công nghiệp nhiệt đới, rau quả nhiệt đới, thủy sản nuôi trồng, gỗ và sản phẩm gỗ. Trong khi đó, Hoa Kỳ là quốc gia rất mạnh về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, sản phẩm thịt và thủy sản đánh bắt, công nghệ sinh học.

Với sự đồng hành của Chính phủ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ tạo điều kiện mở cửa thị trường, kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam – Hoa Kỳ đã tăng gấp hơn 2 lần, từ 7,4 tỷ USD năm 2015 lên 17 tỷ USD năm 2021. Điều này khẳng định Hoa Kỳ là thị trường quan trọng và tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa Việt Nam và Hoa Kỳ 4 tháng năm 2022 đều tăng ở mức 2 con số.

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu (XK) sang thị trường này đạt gần 4,9 tỷ USD; chiếm 27,3% trong tổng giá trị XK nông lâm thủy sản của Việt Nam.

"Đối tác quan trọng hàng đầu trong lĩnh việc nông nghiệp Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu nhiều năm qua trong lĩnh vực nông nghiệp. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt và đang tích cực triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững và định hướng Việt Nam trở thành quốc gia có trách nhiệm đối với an ninh lương thực và môi trường toàn cầu"- Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Đáng chú ý, XK nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,2% tỷ trọng kim ngạch XK nông lâm thủy sản của Việt Nam vào Hoa Kỳ. Đồ gỗ chế biến là sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam và rất phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Hoa Kỳ.

Bên cạnh đồ gỗ chế biến, thời gian qua cũng chứng kiến hàng loạt sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam có mức XK cao hoặc tăng trưởng cao sang thị trường Hoa Kỳ là thủy sản, cà phê, điều, tiêu, rau quả, chè, hồ tiêu, gạo...

Ngược lại, Việt Nam cũng tăng mạnh nhập khẩu những sản phẩm Hoa Kỳ có thế mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản từ Hoa Kỳ vào Việt Nam tăng 20% từ xấp xỉ 2 tỷ USD năm 2020 lên 2,4 tỷ USD năm 2021, trong đó chiếm ưu thế là đậu tương đạt 492 triệu USD (tăng 24%), thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu 818 triệu USD (tăng 61,7%).

Thậm chí, hiện nay Hoa Kỳ là nước XK thịt gia cầm lớn nhất vào Việt Nam; XK bò lớn thứ hai và XK thịt lợn đứng thứ 6 trong số các nước XK thịt gia cầm, thịt bò và thịt lợn vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam đã cho phép Hoa Kỳ XK 171 loại hạt giống cây trồng, 1 loại củ tươi là khoai tây, 6 loại quả tươi.

Theo các chuyên gia, sự tăng trưởng vượt bậc về thương mại nông sản giữa Việt Nam với Hoa Kỳ thời gian gần đây cho thấy thành quả từ những nỗ lực liên tục trong đàm phán thương mại và mở cửa thị trường nông lâm thủy sản giữa hai quốc gia trong thời gian vừa qua. Điều này cũng chứng tỏ các mặt hàng nông lâm thủy sản của hai nước mang tính bổ trợ chứ không cạnh tranh, thay thế lẫn nhau.

Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy - tăng cường liên minh

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Ngô Tường Vy - Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho hay, hiện nay hoạt động thương mại nông sản của Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại nông sản thế giới. Do đó, đây vẫn luôn là một trong những đối tác quan trọng, đồng thời là thị trường mơ ước của các doanh nghiệp (DN) XK nông sản, trong đó có các DN Việt Nam nói chung và Công ty Chánh Thu nói riêng.

Thực tế, nông sản Việt Nam đang muốn đi vào phân khúc cao tại thị trường Hoa Kỳ, qua các hệ thống phân phối lớn. Để nông sản thâm nhập được thị trường này ở phân khúc cao, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, các DN Việt Nam phải đoàn kết, đi cùng nhau, đi cùng các cơ quan trung ương như Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, các cơ quan liên quan, từ đó cùng nhau chuẩn hóa từ nguyên liệu, đồng ruộng đến nhà máy… trước khi đưa sản phẩm sang Hoa Kỳ. Điều này sẽ tạo nên sản phẩm nông sản đáp ứng được chuẩn mực của Việt Nam và đáp ứng được tiêu chuẩn của Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn các DN thực hiện một số thay đổi, chẳng hạn về tư duy. Đặc biệt, DN nên thành lập các liên minh XK sang Hoa Kỳ để tránh cước phí vận chuyển cao. Khi có liên minh như vậy thì chi phí sẽ giảm nhiều. Thành lập liên minh là cách DN đi cùng nhau để bảo vệ nhau. Ngoài ra, khi có liên minh và sự điều phối thì các DN nông nghiệp sẽ bổ sung cho nhau, hỗ trợ nhau tốt hơn, khắc phục được các điểm yếu của nhau. Ví dụ, các nhà phân phối nông sản của Hoa Kỳ sẽ yêu cầu sản phẩm lúc nào cũng phải có trên kệ hàng nhưng nông sản Việt Nam thì theo mùa, theo vùng. Nếu liên minh với nhau, các DN có thể khắc phục được điều này.

Trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Hoa Kỳ từ 11-17/5, Bộ trưởng Bộ N&PTNT Lê Minh Hoan có nhiều cuộc gặp gỡ với quan chức, doanh nghiệp nước này. Khi vừa bắt đầu chuyến công tác, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã làm việc ngay với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Jason Hafemeiser. Ngày 13/5, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dự tọa đàm đối thoại kinh tế nông nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ, nhằm mục đích kết nối doanh nghiệp nông nghiệp hai nước.