PV: Ông nhìn nhận thế nào về việc thực hiện nghiêm quy định hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong hoạt động kinh doanh mua bán, vàng?
Ông Phan Phương Nam: Theo thống kê, hiện nay trên cả nước có trên 12.500 doanh nghiệp có hoạt động mua bán, chế tác vàng bạc và trên 5.000 hộ, cá nhân gia công vàng. 100% các doanh nghiệp đã áp dụng hóa đơn điện tử, với số lượng đã sử dụng khoảng 1,34 triệu hóa đơn.
Về mặt tích cực, hoá đơn điện tử giúp bảo vệ người tiêu dùng khi mua vàng tại cơ sở kinh doanh. Có hoá đơn, chứng từ đảm bảo chất lượng nguồn gốc rõ ràng, đúng và đủ số lượng vàng, tránh bị gian lận tuổi vàng.
Bên cạnh đó, ở góc độ quản lý nhà nước, cơ quan chức năng sẽ kiểm soát và quản lý được doanh thu chính xác của các cơ sở kinh doanh mua, bán vàng, từ đó áp thuế cho phù hợp. Điều này sẽ đảm bảo được tính công bằng giữa các doanh nghiệp với nhau.
Tính đến ngày 14/5/2024, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh kiểm tra đối với 35 cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn và đã phát hiện, tạm giữ 719 đơn vị sản phẩm các mặt hàng là nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay, mặt dây chuyền,… không có hoá đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, với tổng giá trị hơn 1,3 tỷ đồng. Các vụ việc hiện đang được tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định. Cơ quan chức năng đã xử phạt 21 vụ, với số tiền là 1,28 tỷ đồng và tịch thu toàn bộ hàng hoá vi phạm. |
Tôi lấy dẫn chứng như, cơ sở kinh doanh bán vàng nghiêm túc mua bán sản phẩm chất lượng có nguồn gốc rõ ràng, thế nhưng vẫn có những cơ sở kinh doanh “không nghiêm túc” nhập hàng lậu, nguồn đầu vào trôi nổi trên thị trường, không đảm bảo chất lượng và khi bán không xuất hoá đơn, che giấu hoá đơn thì cơ quan thuế sẽ không kiểm soát được lượng vàng lậu này.
Tuy nhiên, theo tôi khi thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng cũng sẽ gặp khó khăn nhất định. Cụ thể, đối với người mua vàng, thói quen của người dân trước tới giờ chỉ cần biết đến tiệm vàng mua xong trả tiền và lấy vàng về. Còn bây giờ phải ghi đầy đủ họ tên, thông tin để xuất hoá đơn điện tử nên họ sẽ cảm thấy e ngại một chút.
Còn đối với các tiệm vàng, nếu so với trước đây - cùng lắm là viết hoá đơn bán lẻ bằng giấy, nhưng bây giờ họ phải trang bị máy để lấy thông tin từ người mua vàng và xuất hoá đơn điện tử, từ đó thông tin được chuyển về cơ quan thuế. Các động thái này sẽ làm tiệm vàng mất thêm chi phí. Thêm nữa, nhân viên bán hàng cũng phải học cách xuất hoá đơn điện tử như thế nào để tránh xuất nhầm số lượng hoặc gõ nhầm thông tin người mua.
Cơ quan chức năng đang kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh vàng.Ảnh minh họa, nguồn: QLTT |
PV: Nhiều khách hàng rất ủng hộ việc tiệm vàng xuất hóa đơn điện tử mỗi lần bán. Tuy nhiên, một số khách hàng cũng tỏ ra lo ngại việc lộ, lọt thông tin cá nhân, vì hiện nay đang "nóng" về vấn đề an toàn, bảo mật thông tin. Ông nghĩ sao về tình trạng này?
Ông Phan Phương Nam: Người dân lo lắng về dữ liệu cá nhân của mình bị lộ khi mua tại các cửa hàng cũng là điều hiển nhiên. Tôi cho rằng, không chỉ trong hoạt động kinh doanh mua bán vàng mới lộ thông tin, mà ngay cả những hoạt động khác như: giao dịch ngân hàng, điện thoại di động, hay các hoạt động mua bán tại các cơ sở khác cũng có thể bị rò rỉ thông tin khách hàng.
Vì vậy, theo tôi cần phải có quy định trách nhiệm cụ thể và rõ ràng đối với các cơ sở kinh doanh khi nhận thông tin từ khách hàng cung cấp. Chẳng hạn như, đối với các doanh nghiệp vàng phải có trách nhiệm bảo mật dữ liệu data thông tin cho khách hàng của mình.
PV: Quy định yêu cầu doanh nghiệp phải xuất hóa đơn điện tử đã bắt đầu thực hiện từ 1/7/2022, nhưng thực tế việc áp dụng thực hiện vẫn theo kiểu “làm cho có”. Vậy ông nhận định thế nào khi siết chặt quy định này bằng việc kiểm tra, giám sát nghiêm trong thời gian tới?
Ông Phan Phương Nam: Tôi nghĩ, những phát sinh tồn tại hạn chế từ thị trường trong thời gian qua đòi hỏi cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý về thị trường, giá vàng, nguyên liệu đầu vào, công tác thanh tra, kiểm tra, công tác truyền thông…
Ông Phan Phương Nam - Phó Trưởng khoa Luật thương mại, Trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh |
Quy định về áp dụng hoá đơn điện tử đã có hiệu lực nhưng việc áp dụng chỉ thực hiện “lác đác” chưa đại trà cho tất cả các ngành nghề. Đây cũng là quy định đúng với tình hình chung trên thị trường mua, bán vàng, góp phần làm đảm bảo sự minh bạch của thị trường, cho cả người mua và công tác quản lý của cơ quan chức năng.
Quan trọng hơn hết là sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan chức năng, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện đối với các cơ sở kinh doanh trên từng địa bàn quản lý.
Thêm nữa, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền việc các cơ sở kinh doanh vàng bị xử phạt do không thực hiện xuất hoá đơn điện tử (lỗi là gì; số tiền xử phạt bao nhiêu…), để các cơ sở khác nhìn vào và nghiêm túc thực hiện sử dụng hoá đơn điện tử.
Có như vậy, công tác thanh tra, kiểm tra không chỉ phát hiện ngăn ngừa và hạn chế sai phạm phát sinh, mà còn làm cơ sở để chỉnh sửa, bổ sung các quy định của pháp luật về lĩnh vực hoạt động này. Còn nếu vấn đề này chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền bình thường cho có thì tính hiệu quả sẽ không khả thi.
PV: Xin cảm ơn ông!
Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, trường hợp sản phẩm vàng đang kinh doanh tại các cửa hàng không có hoá đơn chứng từ theo quy định, được xác định là hàng hoá nhập lậu hay hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc hàng hoá giả mạo nhãn hiệu sẽ bị tịch thu theo quy định tại các nghị định của Chính phủ như: Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2023 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. |