Mua sắm tài sản công đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm
Đánh giá về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) trong mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản công (TSC), báo cáo THTK, CLP năm 2023 cho thấy, Chính phủ đã ban hành 21 nghị định, Bộ Tài chính đã ban hành 15 thông tư, trong đó có các quy định về định mức TSC, xe công, khoán chi, khoán kinh phí sử dụng TSC. Tất cả những quy định này đã tạo cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm TSC. Đặc biệt, đã ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm TSC.
Các quy định này còn giúp khai thác TSC hợp lý, hiệu quả gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội cùng Nhà nước đầu tư phát triển, tái cơ cấu ngân sách nhà nước (NSNN); từng bước chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý TSC, phát triển dịch vụ về TSC theo cơ chế thị trường trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu toàn dân về tài sản.
Ngoài ra, trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng (TSKCHT) do Nhà nước đầu tư, quản lý; phê duyệt Đề án tổng kiểm kê TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, TSKCHT do Nhà nước đầu tư, quản lý.
![]() |
Nguồn: Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của Chính phủ. Đồ họa: Phương Anh |
Bộ Tài chính đã có văn bản đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương cũng như đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của bộ, ngành, địa phương về quản lý, sử dụng TSC; đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị quyết số 74/2022/QH15; đồng thời nhằm đẩy nhanh việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức ở các đơn vị khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Theo báo cáo của 47 bộ, cơ quan trung ương, 21 hội đặc thù và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tính đến ngày 31/12/2023, tổng số cơ sở nhà, đất do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên phạm vi cả nước đang quản lý, sử dụng thuộc phạm vi, đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là 262.320 cơ sở; tổng số cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 183.044 cơ sở (đạt 69,8%); tổng số cơ sở nhà, đất còn phải sắp xếp là 79.404 cơ sở, trong đó năm 2023, Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 379 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương.
Công tác quản lý, mua sắm TSC tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm. Trong năm 2023, các bộ, ngành, địa phương đã mua mới 380 xe ô tô (nguyên giá 388,43 tỷ đồng), 1.146 phương tiện vận tải khác (nguyên giá 32,96 tỷ đồng) và 50.704 máy móc thiết bị (nguyên giá 3.073,25 tỷ đồng).
Về quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, báo cáo THTK, CLP của Chính phủ cũng cho biết, công tác sắp xếp trụ sở, nhà, đất công tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tốt việc rà soát, sắp xếp và bố trí lại hệ thống trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản và quy hoạch sử dụng đất của địa phương.
Tính đến ngày 31/12/2023, cả nước có 74.890 căn, nhà công vụ với tổng diện tích 2.700.289 m2 sàn nhà. Việc quản lý vận hành nhà ở công vụ đảm bảo hiệu quả hơn, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng quản lý, bố trí cho thuê 4 khu nhà ở công vụ của Chính phủ tại Hà Nội. Hoàn thành việc mua 100 căn hộ với các trang bị nội thất cơ bản làm nhà ở công vụ của Chính phủ và phương án hoán đổi giá trị tiền sử dụng đất tương ứng với quỹ nhà ở công vụ tạo điều kiện cho các cán bộ được điều động, luân chuyển từ địa phương về làm việc tại các cơ quan rung ương ổn định cuộc sống, an tâm trong quá trình công tác.
Tập trung đẩy nhanh sắp xếp, xử lý nhà đất
Quản lý, sử dụng TSC trong năm 2023 đã có nhiều tiến bộ và đã góp phần vào công tác THTK, CLP của cả nước. Tuy nhiên, báo cáo THTK, CLP của Chính phủ cũng chỉ ra tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chậm, số lượng cơ sở nhà, đất của một số bộ, ngành, địa phương chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất tương đối lớn như: Bộ Quốc phòng (12.611 cơ sở), Bộ Công an (2.753 cơ sở), Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (7.587 cơ sở); tỉnh Tuyên Quang (10.936 cơ sở), tỉnh Hà Giang (1.725 cơ sở), TP. Hồ Chí Minh (9.115 cơ sở)...
Nguyên nhân là do vẫn còn một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Việc kiểm tra hiện trạng nhà, đất, việc lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất chưa được phân cấp mạnh; công tác phối hợp của các địa phương chưa kịp thời, chậm công bố quy hoạch hoặc quy hoạch chưa rõ…
Hiện đại hóa công tác quản lý, sử dụng tài sản côngChính phủ cũng đưa ra giải pháp để THTK, CLP trong quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) đó là tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý, sử dụng TSC, thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu thành phần để kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng TSC tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị. |
Hơn nữa, hiện nay, các đối tượng thuê nhà ở công vụ bị thu hẹp nên quỹ nhà ở công vụ của địa phương và các cơ quan trung ương hiện nay còn dôi dư; việc đầu tư xây dựng nhà ở công vụ còn hạn chế, đặc biệt là nhà ở công vụ cho lực lượng vũ trang và nhà ở công vụ của các địa phương...
Do đó, để việc quản lý, sử dụng TSC thời gian tới tốt hơn nữa, báo cáo THTK, CLP năm 2023 của Chính phủ có đưa ra nhiệm vụ, giải pháp cho công tác THTK, CLP năm 2024. Trong đó, có chỉ tiêu là tập trung đẩy nhanh công tác sắp xếp, xử lý nhà đất theo quy định, đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trong phạm vi cả nước.
Các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, tài sản tại các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập và phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định, không để lãng phí, sai phạm, lấn chiếm, chuyển đổi, sử dụng sai mục đích hoặc để hoang hóa; tiếp tục rà soát, hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSC.
Nhiệm vụ nữa là triển khai Đề án tổng kiểm kê TSC tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; TSKCHT do Nhà nước đầu tư, quản lý, đảm bảo kế hoạch, tại Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 1/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công đã vận hành hiệu quảTheo Báo cáo THTK, CLP năm 2023 của Chính phủ, Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công (TSC) tiếp tục được cập nhật vận hành có hiệu quả. Tính đến ngày 31/12/2023, Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC đã cập nhật 2.236.543 tài sản, với nguyên giá là 2.329.050,13 tỷ đồng. Cụ thể: đối với tài sản là quyền sử dụng đất 1.293.698,62 tỷ đồng, tài sản là nhà 572.787,08 tỷ đồng; tài sản là vật kiến trúc 64.393,17 tỷ đồng; tài sản là ô tô 23.492,94 tỷ đồng; tài sản là phương tiện vận tải khác (ngoài xe ô tô) 1.505,54 tỷ đồng; tài sản là máy móc, thiết bị 219.020,43 tỷ đồng, tài sản là cây lâu năm, súc vật làm việc 656,29 tỷ đồng; tài sản cố định hữu hình khác 19.116,36 tỷ đồng; tài sản cố định vô hình 134.346,54 tỷ đồng; tài sản cố định đặc thù 33,17 tỷ đồng. Tổng số tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tính đến ngày 31/12/2023 là 66.644 tài sản, với tổng nguyên giá 3.817.810 tỷ đồng, giá trị còn lại 2.748.279 tỷ đồng; tổng chiều dài các tuyến đường, cầu đường đã nhập là 884.380,305 km; tổng số tài sản là công trình nước sạch nông thôn đã nhập là 15.681 công trình, tổng giá trị 38.323 tỷ đồng, giá trị còn lại là 20.041 tỷ đồng./. |