Trong đó, số dư Quỹ BOG tại thời điểm 01/01/2016 là 3.970,063 tỷ đồng; tại thời điểm 31/3/2016 là 3.787,147 tỷ đồng và tại thời điểm 30/6/2016 là 1.495,432 tỷ đồng.
Tổng số trích Quỹ BOG trong Quý III (từ ngày 01/7/2016 đến hết ngày 30/9/2016) là 1.242,136 tỷ đồng; cùng thời điểm, tổng số sử dụng Quỹ BOG là 564,892 tỷ đồng. Lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương: 2,771 tỷ đồng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG âm 313 triệu đồng.
Trong tổng số 24 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có tổng số dư Quỹ BOG lớn nhất tính đến thời điểm 30/9/2016, với gần 1.720 tỷ đồng và mức lãi phát sinh trên số dư cũng lớn nhất, với 1,932 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, có tới 10/24 doanh nghiệp đầu mối có số dư Quỹ là số âm, mức âm Quỹ lớn nhất thuộc về Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội. Ngoài ra còn có 6/24 doanh nghiệp có lãi phát sinh trên số dư Quỹ âm.
Trước đó, theo một báo cáo của Bộ Tài chính, Quỹ BOG xăng dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả trong việc tạo nên một “bước đệm” nhằm góp phần bình ổn giá (giữ ổn định hoặc giảm mức tăng) trong trường hợp cần thiết, qua đó góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội.
Hiện nay, cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ BOG xăng dầu được quy định chi tiết trong Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC, Thông tư liên tịch số 90/2016/TTLT-BCT-BTC của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.
Căn cứ các quy định trên, thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối chỉ được sử dụng Quỹ BOG vào mục đích bình ổn giá xăng dầu trong nước theo chỉ đạo của Liên Bộ Công thương - Tài chính.
Khi xét thấy giá cơ sở tăng cao hoặc việc tăng giá xăng dầu có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Liên Bộ Công thương - Tài chính sẽ xem xét cho phép doanh nghiệp sử dụng Quỹ BOG xăng dầu để bù đắp hết hoặc một phần chênh lệch tăng giá này.
Khi đó, giá trong nước hoặc là không điều chỉnh tăng hoặc chỉ tăng một phần chứ không phải tăng toàn bộ phần chênh lệch giữa giá cơ sở tại thời điểm tính toán và mức giá bán hiện hành; phần chênh còn lại được bù đắp từ Quỹ BOG.
Ví dụ, giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, giá thành phẩm xăng dầu thế giới có diễn biến tăng trở lại. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương ban hành văn bản yêu cầu DN đầu mối giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước, đồng thời cho sử dụng Quỹ BOG xăng dầu để bù đẳp phần chênh lệch giá cơ sở kỳ công bố cao hơn giá cơ sở kỳ liền kề.
Nhờ giá xăng dầu được giữ ổn định trong giai đoạn này đã góp phần kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 và lần đầu tiên trong các năm qua, giá cả các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 không tăng giá, tạo điều kiện cho người dân mua sắm Tết.
Tiếp đó, giai đoạn cuối tháng 3/2016, khi giá xăng dầu tăng cao, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương ban hành văn bản điều hành kinh doanh xăng dầu. Theo đó, do sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng khoáng: 1.047 đồng/lít; xăng E5: l.115 đồng/lít; dầu điêzen: 983đồng/lít; dầu hỏa: 909 đồng/lít; dầu ma dút các loại: 231 đồng/kg nên xăng RON 92 chỉ tăng 670 đồng/lít; xăng E5: 570 đồng/lít; dầu điêzen: 290 đồng/lít và giá mặt hàng dầu hỏa được giữ nguyên.
Nếu không chi sử dụng Quỹ BOG như trên, thì mức tăng giá xăng dầu trên thị trường trong nước thời điểm đó sẽ là 1.717 đồng/lít đối với xăng khoáng; xăng E5: 1.685 đồng/lít; dầu điêzen: 1.273 đồng/lít; dầu hỏa: 909 đồng/lít; dầu ma dút các loại: 251 đồng/kg./.
N.P