Tại toạ đàm Phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) diễn ra ngày 27/9/2023, bà Trịnh Huyền Mai, Phó Trưởng phòng Chính sách xúc tiến thương mại - Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương đã chỉ ra những hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam.

Chưa nhiều thương hiệu Việt thành công tại thị trường CPTPP
Việt Nam có nhiều thế mạnh về nông sản nhưng chưa xây dựng được thương hiệu đủ sức vươn xa. Ảnh: Hải Anh

Theo bà Huyền Mai, chính thức có hiệu lực từ ngày 14/01/2019, được kỳ vọng là bước ngoặt tạo ra xung lực mới, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác thành viên thực thi CPTPP đã đem lại tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng cho Việt Nam, là động lực mở đường cho hàng hóa Việt Nam sang các thị trường tiềm năng và mới mẻ.

Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta chủ yếu lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hình thức xuất khẩu thông qua chuỗi cung ứng gia công xuất khẩu hoặc xuất khẩu ở dạng là nguyên thô, nguyên liệu để làm đầu vào cho các nhà sản xuất, nhà chế biến ở nước ngoài. Doanh nghiệp Việt thường mua về, chế biến lại, bao bì đóng gói và xuất khẩu bằng thương hiệu của họ. Bởi vậy nên giá trị gia tăng cũng như thương hiệu riêng của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường CPTPP vẫn còn mang thương hiệu nước ngoài.

Tại hội thảo, ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng, dư địa để doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn nữa vào các thị trường CPTPP còn lớn, đặc biệt là Canada, Mexico và Peru. Có những mặt hàng hiện nay chỉ chiếm khoảng 3 – 5% tại các thị trường này.

Về giải pháp nâng cao giá trị thương hiệu Việt, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tăng cường các hoạt động, nâng cao năng lực cho về xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của doanh nghiệp. Ở cấp độ quốc gia tăng cường các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu quốc gia Việt Nam, cho các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, những sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.