TA

Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo ngày 18/9. Ảnh: PV

Đây là quan điểm được các chuyên gia, tổ chức nghiên cứu nêu ra tại hội thảo "Dự thảo Bộ luật Lao động: Những tác động tới nền kinh tế", do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức, ngày 18/9/2019.

Can thiệp quá sâu vào quan hệ lao động

Theo các chuyên gia, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang thảo luận, lấy ý kiến thời gian này không đạt các mục tiêu đề ra khi xây dựng luật, như là tạo việc làm, đảm bảo tính công bằng, bảo vệ quyền lợi các bên… Thay vào đó, dự thảo được đánh giá là lạc hậu, bảo thủ, có xu hướng tạo ra những rào cản mới đối với hoạt động sản xuất, đối với việc tăng năng suất lao động và qua đó sẽ kéo lùi cả nền kinh tế vốn dựa nhiều vào lợi thế về lao động.

Đánh giá đây là bộ luật có tác động rất lớn đến cả kinh tế và xã hội, song TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, tư duy của bộ luật không phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế mới, thậm chí là bước lùi so với bộ luật cũ.

Trước hết, TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, không nên đánh giá luật theo hướng nhìn vào sự xung đột giữa người lao động và giới chủ. Thay vào đó, phải đánh giá luật từ hiệu quả tổng thể cho nền kinh tế theo hướng liệu luật này có giúp năng lực cạnh tranh tốt hơn không? Có tạo ra thị trường hiệu quả hơn không? Có giúp người lao động làm tốt hơn và chủ sử dụng lao động có hiệu quả cao hơn không?

"Chúng ta nhận mình là nền kinh tế thị trường. Thị trường lao động là nhân tố đầu vào cơ bản của mọi nền kinh tế. Nhưng với luật này, chúng ta đang can thiệp quá sâu vào quan hệ lao động. Nó không có tính thị trường và đi ngược lại chủ trương so với luật năm 2012" - TS. Vũ Thành Tự Anh phân tích.

"Với kinh tế thị trường, nguyên tắc là chỉ can thiệp khi thị trường thất bại. Tuy nhiên, dự thảo lại sợ người lao động làm kiệt sức, sợ giới chủ bắt người lao động làm nhiều, dù hai bên đã có thỏa thuận. Có rất nhiều tư duy như vậy trong bộ luật, thể hiện sự không tôn trọng quyền tự chủ, tự quyết của người lao động và chủ sử dụng lao động. Khi đã có khế ước lao động, Nhà nước phải làm thế nào để khế ước được thực thi chứ không cần nghĩ thay cho họ" - TS. Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh thêm.

Chuyên gia từ Đại học Fulbright nhận định, Việt Nam vẫn là nền kinh tế có lợi thế về lao động, cụ thể là lao động giá rẻ, quy mô lớn. Tuy nhiên, quy định như bộ luật sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi thế này. Các giới hạn về giờ làm thêm, về tiền lương luỹ tiến… đưa ra trong dự thảo rất không phù hợp với quy luật kinh tế. Các giới hạn này thậm chí có thể tạo ra thiểu dụng lao động, thất nghiệp, tạo ra khuyến khích ngược. Chẳng hạn, với quy định về tiền lương luỹ tiến, có khả năng người lao động không muốn làm tốt trong những giờ đầu để phải làm tăng thêm đến các giờ sau để có mức lương tốt hơn. Như vậy, quy định tưởng là khuyến khích người lao động nhưng có thể họ lười biếng hơn, tăng chi phí của chủ lao động.

Về phía chủ sử dụng lao động, khi bị những ràng buộc bởi những quy định không phù hợp thực tiễn, họ sẽ tìm cách lách luật, từ đó tạo ra chi phí lãng phí cho xã hội.

Hạn chế giờ làm thêm gây thiệt thòi cho cả DN và người lao động

Đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) cũng chia sẻ quan điểm này. Theo ông Phạm Hồng Việt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam, sản xuất da giày cũng như dệt may là ngành có tính thời vụ, thường có 6 tháng trong năm là thời gian cao điểm, cần tăng giờ làm. Còn lại, các tháng khác khi công việc không nhiều, các DN cũng giãn thời gian, tăng ngày nghỉ cho người lao động.

PHV
Ông Phạm Hồng Việt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: PV

Trong khi đó, cách sửa của Bộ luật Lao động theo hướng giảm giờ làm việc, giữ nguyên giờ làm thêm là không thực tiễn. Việc sửa luật phải dựa trên lợi ích của các chủ thể, Nhà nước, người lao động, DN. Người lao động và DN phải đồng hành chứ không phải là đối tượng đối kháng. Người lao động thực chất là tài sản của DN. DN phát triển thì mới tạo ra nhiều việc làm, thu nhập tốt hơn cho người lao động.

Với ngành da giày, khách hàng nhập khẩu, nhất là các DN lớn luôn quan tâm đến trách nhiệm xã hội với người lao động và DN sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt nếu không họ sẽ không mua hàng. Do đó, với số giờ làm thêm như hiện nay, vốn đã không đáp ứng yêu cầu, nay dự thảo lại giảm giờ làm, không tăng giờ làm thêm, thì DN sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu của đối tác về tiêu chuẩn lao động.

Do đó, ông Phạm Hồng Việt cho rằng, giờ làm thêm tối đa nên được tăng lên để các DN đảm bảo tuân thủ hợp đồng, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Thực tế, đại diện DN cho biết, có tới 70% người lao động muốn được làm thêm giờ, nhất là vào dịp giáp tết để tăng thu nhập. Nhiều công nhân sau giờ làm đã đi làm việc khác để tăng thu nhập. Tuy nhiên, trong khi nếu làm tại DN họ được hưởng 150% lương thì đi làm việc khác họ vẫn chỉ được mức lương thông thường, đó chính là thiệt thòi cho người lao động.

TS. Nguyễn Thị Hồng - Trường Đại học Lao động xã hội cho biết, cần phải lắng nghe tiếng nói của nhiều nhóm DN, người lao động khi hoàn thiện bộ luật này. Hiện nay, nhiều người lao động thực sự có nhu cầu làm thêm. Nếu đưa ra giới hạn không hợp lý, tạo ra rào cản phi thị trường, can thiệp quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của DN, theo đó ảnh hưởng tới cả nền kinh tế.

Bình luận về nhiều nội dung trong dự thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, dường như nhiều quy định không đem lại lợi ích cho cả người lao động và DN, mà có lẽ người hưởng lợi là... thanh tra lao động. Một số quy định trong dự thảo, thay vì khuyến khích, bảo vệ, tạo động lực cho người lao động làm việc, cho DN tạo thêm việc làm thì thực chất lại "tạo ra rào cản trói chân DN ngay trên sân nhà, các cơ hội vẽ ra DN không vươn tới được vì đã bị trói bởi những thứ này".

"Bộ luật làm ra phải khuyến khích người lao động làm việc chăm chỉ hơn, sáng tạo hơn, một người làm việc bằng hai chứ không phải khuyến khích họ nghỉ nhiều hơn. Chỉ có làm việc nhiều hơn, sáng tạo hơn mới đưa đất nước đi lên" - TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định./.

Hoàng Yến