Hợp tác trao đổi thông tin chống trốn thuế xuyên biên giới

Ngoài việc thắt chặt mối quan hệ hợp tác, đoàn kết hữu nghị, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong công tác quản lý thuế tầm khu vực, Hội nghị cấp cao SGATAR năm nay tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng trong quản lý thuế của SGATAR. Trong đó, nội dung cải cách thuế được hầu hết các quốc gia nhận định là một trong những chính sách khó khăn và mang tính chính trị cao nhất trong quá trình thực hiện đối với chính phủ các nước, đặc biệt khi mục tiêu của cải cách mở rộng cơ sở thuế phù hợp với thông lệ quốc tế.

Phát biểu tại hội nghị, ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Việt Nam, cho rằng vấn đề Hội nghị cấp cao thường niên SGATAR 51 cần tiếp cận, đó là việc trao đổi thông tin trong thực tế; sử dụng dữ liệu trao đổi thông tin tự động (chuẩn mực báo cáo chung - CRS) và chia sẻ kinh nghiệm sử dụng công cụ trao đổi thông tin trong giải quyết các trường hợp thuế.

Chia sẻ cách thức trao đổi thông tin như một công cụ để phát hiện các trường hợp, hành vi trốn thuế, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, cơ quan Thuế Việt Nam tiếp cận theo 4 phương thức.

Thứ nhất, do các đối tác nước ngoài cư trú tại nước ngoài và thường không hiện diện tại Việt Nam. Do đó, rất khó để thanh tra viên thuế xác minh thông tin thực tế đầu vào, đầu ra của người nộp thuế Việt Nam, cũng như các thông tin, tài liệu do người nộp thuế Việt Nam cung cấp.

Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung

Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả của công tác thanh tra thuế đối với những trường hợp này và tránh thất thu cho ngân sách nhà nước, việc sử dụng công cụ trao đổi thông tin là hết sức cần thiết. Điều này giúp thanh tra viên thuế thu thập được thông tin từ các cơ quan thuế nước ngoài mà trong nước không có sẵn. Nói cách khác, "công cụ trao đổi thông tin giúp phát hiện ra thu nhập bị che giấu, hoặc không được khai báo, tiết lộ các trường hợp trốn thuế có thể xảy ra và cũng là biện pháp ngăn chặn hành vi trốn thuế" - ông Tuấn cho hay. Bên cạnh đó, công cụ trao đổi thông tin còn giúp cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế đối tác xác định đúng nghĩa vụ thuế của người nộp thuế liên quan, tránh việc người nộp thuế thông đồng với nhau để tránh thuế ở cả hai nước.

Thứ hai, công cụ trao đổi thông tin sẽ hỗ trợ đoàn thanh tra rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp, nhờ đó, mang lại hiệu quả đáng kể trong việc giải quyết các hồ sơ thanh tra khi có yêu cầu xác minh tại nước ngoài, đặc biệt trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế VAT (giá trị gia tăng) đối với hàng hóa xuất khẩu và kiểm tra chuyển giá.

Thứ ba, trường hợp cần thu thập thông tin từ cơ quan thuế nước ngoài để hoàn thành cuộc thanh tra, theo quy định tại quy chế trao đổi thông tin theo hiệp định thuế của Tổng cục Thuế. Cục thuế địa phương cần cung cấp cho Tổng cục Thuế các thông tin, sau khi muốn đề nghị Tổng cục Thuế hỗ trợ, trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước ngoài phục vụ công tác quản lý thuế.

Thứ tư, trao đổi thông tin giúp quá trình thanh tra không bị kéo dài, dù người nộp thuế được yêu cầu cung cấp tài liệu để phục vụ công tác thanh tra. Trong thời gian thực hiện thanh tra thuế, trường hợp phải đề nghị Tổng cục Thuế hỗ trợ trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước ngoài phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra; đoàn thanh tra sẽ ghi nhận và ban hành kết luận thanh tra trên cơ sở các thông tin, tài liệu do người nộp thuế cung cấp.

Trường hợp khi trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước ngoài có thông tin khác biệt so với các thông tin, tài liệu do người nộp thuế cung cấp cho đoàn thanh tra, đoàn thanh tra sẽ bổ sung phụ lục biên bản thanh tra. Điều này vẫn đảm bảo quá trình thanh tra không bị kéo dài.

Sử dụng dữ liệu trao đổi thông tin tự động

Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cho hay, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 159 của Diễn đàn Toàn cầu về minh bạch và trao đổi thông tin về thuế (GF) từ ngày 26/12/2019. Trở thành thành viên của GF là cơ sở để Việt Nam tiến tới ký Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế (MAAC), để củng cố khuôn khổ pháp lý và mở rộng trao đổi thông tin về thuế, tiến tới trao đổi thông tin tự động.

Hiện nay, Bộ Tài chính Việt Nam đang chỉ đạo Tổng cục Thuế hoàn thiện các thủ tục theo quy định của nội luật để trình Chính phủ phê duyệt ký MAAC. Việt Nam dự kiến ký MAAC trong năm 2022.

Việt Nam dự kiến ký MAAC trong năm 2022

Hiện nay, Bộ Tài chính Việt Nam đang chỉ đạo Tổng cục Thuế hoàn thiện các thủ tục theo quy định của nội luật để trình Chính phủ phê duyệt ký MAAC. Việt Nam dự kiến ký MAAC trong năm 2022.

Để tuân thủ nghĩa vụ thành viên Diễn đàn thực hiện BEPS (IF - Inclusive Framework) và thực hiện tiêu chuẩn tối thiểu của BEPS, tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan thuế của các quốc gia và vùng lãnh thổ thông qua việc trao đổi thông tin theo hướng ngày càng minh bạch, Tổng cục Thuế dự kiến trình Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ phê duyệt chủ trương Việt Nam tham gia ký kết Thỏa thuận đa phương về trao đổi Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (CbC MCAA) và Thỏa thuận đa phương về trao đổi tự động thông tin tài khoản tài chính (CRS MCAA) sau khi ký MAAC theo lộ trình và kế hoạch hành động thống nhất giữa Việt Nam với OECD.

“Dữ liệu CRS là nguồn thông tin quan trọng về các nguồn thu nhập của các cá nhân cư trú có tài khoản tài chính ở nước ngoài. Cùng với quy định tại điều khoản trao đổi thông tin trong các hiệp định thuế mà Việt Nam đã ký kết, việc trao đổi thông tin tự động (nhất là trao đổi tự động CRS) theo MAAC sẽ là công cụ trực tiếp ngăn ngừa việc trốn lậu thuế và gián tiếp giúp chống tham nhũng, rửa tiền và giúp giải quyết các trường hợp thanh tra thuế xuyên biên giới” - Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định.