Tăng dự trữ xăng dầu để đảm bảo cung ứng trong mọi tình huống
Hiện mức dự trữ quốc gia đối với sản phẩm xăng dầu mới chỉ đạt khoảng 9 ngày nhập ròng, chưa có dự trữ quốc gia đối với dầu thô. Ảnh: TL

Dự trữ xăng dầu còn thấp

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, năm 2022 vừa qua, do nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc cung ứng xăng dầu có thời điểm có sự đứt gãy cục bộ càng cho thấy vai trò của công tác xây dựng và triển khai quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng dầu, khí đốt là rất quan trọng.

Tăng dự trữ xăng dầu phù hợp khả năng bố trí ngân sách

Tại Văn bản số 2790/VPCP-KTTH (ngày 15/8/2022) của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan nghiên cứu các phương án điều chỉnh tăng tổng mức xăng dầu dự trữ quốc gia phù hợp khả năng bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước và đáp ứng các yêu cầu về kho, bồn bể chứa. Đồng thời, nghiên cứu lộ trình thực hiện phù hợp, bảo đảm khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về dự trữ xăng dầu quốc gia.

Mới đây, vào cuối tháng 8/2023, Văn phòng Chính phủ có thông báo truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về công tác điều hành giá những tháng cuối năm 2023, trong đó nhấn mạnh việc không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống. Như vậy có thế thấy rằng, mặt hàng xăng dầu có ý nghĩa rất quan trọng đối với an ninh kinh tế quốc gia được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Trong khi đó, dự trữ xăng dầu còn “khiêm tốn” so với định hướng của Chính phủ.

Hồi đáp cử tri TP. Hồ Chí Minh trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV về vấn đề dự trữ năng lượng của quốc gia, Bộ Tài chính cho biết, đến nay, mức dự trữ quốc gia đối với sản phẩm xăng dầu mới chỉ đạt khoảng 9 ngày nhập ròng, chưa có dự trữ quốc gia đối với dầu thô. Giai đoạn tới, việc tăng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng yêu cầu Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt là cần thiết.

Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Quyết định số 861/QĐ-TTg đặt ra mục tiêu tổng quát đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75 - 80 ngày nhập ròng, phấn đấu đạt 90 ngày nhập ròng…

Liên quan đến dự trữ mặt hàng chiến lược xăng dầu, đồng thuận quan điểm của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh khẳng định, thời gian tới nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam cũng tăng lên nên dự trữ xăng dầu quốc gia cũng bắt buộc phải nâng lên mức tương ứng. Xăng dầu là mặt hàng rất quan trọng nên phải có lượng dự trữ chiến lược. Không có dự trữ để bình ổn được thị trường thì rất rủi ro.

Quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng dầu

Cụ thể hóa Quyết định số 861/QĐ-TTg, Bộ Công thương đã xây dựng và lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp xăng dầu về dự thảo Kế hoạch triển khai Quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng dầu, khí đốt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch đã đề ra mục tiêu cụ thể về hạ tầng dự trữ xăng dầu, bao gồm việc đảm bảo sức chứa từ 500.000 đến 1.000.000 m3 sản phẩm xăng dầu và từ 1.000.000 đến 2.000.000 tấn dầu thô, nhằm đáp ứng được 15-20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021 - 2030. Sau giai đoạn này, mục tiêu sẽ là đảm bảo sức chứa từ 500.000 đến 800.000 m3 sản phẩm xăng dầu và từ 2.000.000 đến 3.000.000 tấn dầu thô, để đáp ứng được 25-30 ngày nhập ròng. Tuy nhiên, mục tiêu này là khá thách thức trong việc tập hợp và huy động nguồn lực để đầu tư nâng dự trữ xăng dầu theo chỉ đạo của Chính phủ.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công thương, để việc triển khai thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg đạt hiệu quả, thống nhất, rất cần sự đồng hành của các bộ, ngành trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan, đặc biệt là các địa phương và các tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội, doanh nghiệp. Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tham mưu Chính phủ bố trí nguồn vốn cho các dự án đầu tư công, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư trong và ngoài nước về các dự án hạ tầng xăng, dầu, khí đốt.

Trong đó, vai trò của Bộ Tài chính là rất quan trọng trong việc bố trí ngân sách, hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo thực hiện nhiệm vụ dự trữ quốc gia về xăng dầu, hoàn thiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia bảo quản hàng dự trữ quốc gia về xăng dầu. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, khai thác hiệu quả hạ tầng dự trữ xăng, dầu, khí đốt. Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các nhà đầu tư tiếp cận vốn với điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án hạ tầng dự trữ, phân phối xăng, dầu, khí đốt theo quy hoạch.

Để có nguồn lực cho đầu tư dự trữ xăng dầu, các chuyên gia kinh tế đề ra giải pháp xã hội hóa. Việc xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng dự trữ xăng dầu rất cần thiết trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Tuy nhiên, để phát huy nguồn lực này, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách và lựa chọn được những nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm.

ÔNG NGUYỄN HOÀNG GIANG, PHÓ VỤ TRƯỞNG VỤ KẾ HOẠCH - TÀI CHÍNH (BỘ CÔNG THƯƠNG):

Tiếp tục phát huy nguồn lực xã hội hóa

Tăng dự trữ xăng dầu để đảm bảo cung ứng trong mọi tình huống

Nguồn vốn đầu tư hạ tầng kho xăng dầu thời gian qua đa số không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, mà chủ yếu là vốn của doanh nghiệp, cụ thể là 30% vốn của chủ đầu tư và 30% là vốn của các tổ chức tín dụng tài trợ.

Hiện nay có trên 30 doanh nghiệp đầu mối, chiếm khoảng 98% quy mô sức chứa của hệ thống. Các doanh nghiệp có vốn nhà nước có tổng sức chứa khoảng trên 3 triệu m3, chiếm 63% tổng sức chứa. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổng sức chứa khoảng gần 2 triệu m3, chiếm khoảng 37% tổng sức chứa.

Rõ ràng, vai trò của nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng dự trữ xăng dầu khá quan trọng trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Vì vậy trong dự thảo triển khai Quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng dầu, khí đốt giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Công thương tiếp tục đưa ra những giải pháp về huy động vốn đầu tư nguồn lực xã hội.

BÀ HOÀNG THỊ THU HÀ, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG, VỤ TÍN DỤNG CÁC NGÀNH KINH TẾ (NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM):

Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống hạ tầng dự trữ xăng dầu khoảng 270.000 tỷ đồng

Tăng dự trữ xăng dầu để đảm bảo cung ứng trong mọi tình huống

Để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho các ngành kinh tế trong đó có doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tạo điều kiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp.

Theo dự thảo quy hoạch, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia đến năm 2030 lên tới khoảng 270.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này được huy động từ nhiều nguồn như: nguồn vốn doanh nghiệp, nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác liên quan đến nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành đầy đủ hành lang pháp lý để cho các tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở đánh giá dự án đó có khả thi, có khả năng trả nợ hay không mới quyết định cho vay.

Thu Thảo (lược ghi)