Áp lực lạm phát đến từ các nền kinh tế lớn

Mặc dù một số nền kinh tế lớn trên thế giới từng bước phục hồi, nhưng do tác động của các gói hỗ trợ kích cầu trong đại dịch Covid-19, nên lạm phát của các nước trên thế giới tăng cao. Lạm phát của Mỹ tăng 8,6% trong tháng 8 sau khi đạt mức cao nhất kể từ năm 1981 vào tháng 7 là 9,1%. Lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng ở mức cao kỷ lục. OECD nâng gấp đôi mức dự báo lạm phát trong nhóm 38 nước thành viên lên 8,5%, đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 1988. Lạm phát ở Anh đã tăng lên 10,1% trong tháng 7, mức cao nhất kể từ năm 1982; ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự báo lạm phát có khả năng sẽ tăng lên 13% trước cuối năm nay do giá năng lượng tăng cao.

Riêng Thổ Nhĩ Kỳ, mức độ tăng của giá cả còn lên tới 73%. Tại Trung Quốc, sự bùng phát dịch Covid-19 tại một số thành phố lớn đã làm đứt gẫy nguồn cung vật tư, linh kiện phục vụ sản xuất của thế giới. Thêm vào đó, cuộc xung đột Ukraine và Nga đã làm cho nguồn cung xăng dầu, gas và nhiều vật tư, nguyên liệu bị xáo trộn. Giá xăng dầu và nhiều loại vật tư nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đã tăng cao, tác động mạnh đến lạm phát.

Khách hàng mua sắm tại Tops Market.
Khách hàng mua sắm tại Tops Market.

Tại Việt Nam, các cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế tiếp tục được kiểm soát và giữ ở trạng thái tốt hơn so với giai đoạn trước, cùng với kinh nghiệm kiểm soát lạm phát thấp trong nhiều năm qua, đang tạo được niềm tin và sự ổn định nhất định của thị trường tài chính - tiền tệ. Hơn nữa, việc điều hành chính sách tiền tệ đã linh hoạt và chủ động hơn, cũng là cơ sở để chỉ số lạm phát cơ bản thấp, giúp ổn định thị trường tài chính tiền tệ và giúp cho CPI tăng thấp.

Thời gian qua, một số mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau quả trong nước giảm giá do được mùa và chuỗi cung ứng đã hồi phục sau khi mở cửa “sống chung” với dịch bệnh. Trong tháng 6 và tháng 7, giá một số mặt hàng đã tăng cao trở lại, gây áp lực lạm phát, tuy tháng 8 đã có một số mặt hàng có xu hướng giảm.

Dự báo nhiều kịch bản cho lạm phát cả năm

Có thể nói, sự thành công trong điều hành lạm phát thời gian qua là do có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc quản lý thị trường tài chính tiền tệ; sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ và quyết liệt của các cơ quan quản lý giá cả và cơ quan quản lý thị trường, tránh các đợt tăng giá sốc vào một số thời điểm nhạy cảm.

Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh dự báo trong các tháng cuối năm 2022 nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu ổn định như hiện nay, lãi suất của các nền kinh tế lớn tăng không quá cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 7 % - 7,5% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 2,9% - 3,2%.

Nhiều chuyên gia đồng tình cho rằng, nếu giá dầu thô hạ xuống thấp hơn hiện nay, cơ hội chống lạm phát của các quốc gia tốt hơn, kinh tế thế giới phục hồi gần với dự báo từ đầu năm, các gói hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng kinh tế phát huy tốt tác dụng, thì khả năng lạm phát sẽ tăng cao hơn mức nêu trên. Trường hợp, tăng trưởng năm 2022 đạt mức 7,8% - 8,5% thì khả năng lạm phát cả năm có thể sẽ ở mức là 3,3% - 3,6%.

Tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”

Tăng trưởng GDP quý II/2022 đã tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011 - 2021. Do đó, cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”.

Để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% như chỉ tiêu của Quốc hội và tìm cách ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tiếp tục hạ thấp tỷ lệ lạm phát, theo các chuyên gia kinh tế, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch Covid-19 với các biến thể mới có thể bùng phát trở lại và phòng ngừa các dịch bệnh khác. Đây sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng và cũng là yếu tố tiên quyết cho khả năng tăng trưởng và ổn định kinh tế năm 2022.

Tăng trưởng GDP quý II/2022 đã tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011 - 2021. Do đó, cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”.

Trước diễn biến FED tăng lãi suất mới đây, theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính - tiền tệ, chủ động, thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam, góp phần kìm giữ lạm phát cơ bản để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI).