Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn với nhà đầu tư

PV: Thưa ông, mặc dù diễn biến dịch Covid-19 rất phức tạp gần 2 năm nay, ảnh hưởng nhiều đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội, song diễn biến trên thị trường chứng khoán của Việt Nam vẫn tích cực. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Ông Trương Văn Phước: Đây là hiện tượng không chỉ ở Việt Nam mà cũng là diễn biến trên thị trường thế giới. Theo dõi tình hình dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian qua thì một câu hỏi lớn đặt ra là vì sao chứng khoán tăng giá? Có thực sự nền kinh tế thế giới, kinh tế các quốc gia tốt đến vậy không? Câu trả lời chắc chắn là không? Vậy hiện tượng nền kinh tế hoạt động không tốt, doanh nghiệp khó khăn mà sự phản ánh lên thị trường tài chính lại tốt thì sự phản ánh đó có thực sự chính xác không? Đây không chỉ là vấn đề học thuật mà cũng là vấn đề thực tiễn.

Thị trường chứng khoán: Thích ứng với trạng thái “bình thường mới”
Ông Trương Văn Phước

Lý do cơ bản ở đây chính là tiền quá nhiều. Các nước trong đại dịch thay đổi chính sách rất nhiều và có những cách tư duy phi truyền thống để đối ứng lại biến động phi truyền thống của nền kinh tế, của nền tài chính thế giới. Dù mỗi quốc gia có một kịch bản khác nhau, song hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng để đối phó với đại dịch mà tiêu biểu là Mỹ. Lãi suất đồng USD về gần mức 0% và khoảng 5.000 tỷ USD đã được bơm ra thị trường, Quốc hội Mỹ đã buộc phải quyết định nâng trần nợ công. Nhiều quốc gia khác cũng có mức nợ công tăng mạnh.

Dòng vốn ngày nay có tốc độ luân chuyển cực nhanh, mà Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn với nhà đầu tư, do đó, việc thị trường mở cửa như Việt Nam đón nhận dòng vốn đầu tư bên ngoài vào là đương nhiên. Sự tăng giá của chứng khoán vô lý mà có lý, đây là phản ứng phi truyền thống đối lại hoàn cảnh phi truyền thống do dịch bệnh, điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ khác đi rất nhiều.

PV: Xin ông nói rõ hơn về yếu tố truyền thống và phi truyền thống trên thị trường chứng khoán lúc này?

Ông Trương Văn Phước: Về nguyên tắc khi mua cổ phiếu, lợi nhuận là cổ tức. Tư duy truyền thống là khi các nhà máy, doanh nghiệp hoạt động tốt thì nhà đầu tư được trả cổ tức. Còn phi truyền thống là hiện nay khi phần lớn nhà máy bị phong tỏa, không sản xuất được, hàng hóa không lưu thông được mà chứng khoán vẫn lên.

Theo tư duy truyền thống sẽ đặt câu hỏi vì sao cổ tức ít, nhà máy đóng cửa lại vẫn bỏ tiền đầu tư. Nhưng với tư cách là nhà đầu tư, tôi vẫn để tiền vào đó do lãi suất của thị trường quá thấp, có thể giải thích dưới góc độ này như một phản ứng của nhà đầu tư trước tư duy truyền thống. Vì lượng tiền quá nhiều, tạo nhu cầu về đầu tư lớn, từ đó tạo thành một phản ứng dây chuyền khiến giá tăng ghê gớm. Như vậy là có cả yếu tố truyền thống và phi truyền thống trong đầu tư. Vấn đề đặt ra là truyền thống bao nhiêu và phi truyền thống bao nhiêu, diễn biến đó diễn ra trong bao lâu, thì đó là sự tinh tế của nhà đầu tư.

Đại dịch buộc chúng ta phải nghĩ khác, làm khác…

PV: Với diễn biến thị trường hiện nay, có điều gì nhà đầu tư cần lưu ý, thưa ông?

Ông Trương Văn Phước: Diễn biến vừa qua của thị trường chứng khoán có nhiều lý do, nhưng nó không phản ánh đúng bản chất của chứng khoán, mà là do hiện tượng tiền quá nhiều trong nền kinh tế, kết hợp với lãi suất vô cùng thấp, thì chứng khoán đi lên. Đến một lúc nào đó, có thể tiền sẽ ít đi, lúc đó sẽ ra sao? Mỗi hiện tượng tài chính, tiền tệ đều có quy luật, nguyên nhân sâu rộng là lãi suất thấp thì chứng khoán tăng. Về cơ bản quy luật đó là đúng.

Thị trường chứng khoán: Thích ứng với trạng thái “bình thường mới”
Dù diễn biến dịch Covid-19 rất phức tạp song thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực.

Như vậy, sau đại dịch điều gì xảy ra là vấn đề buộc mọi người cẩn trọng hơn. Hiện FED vẫn để lãi suất đồng USD gần bằng không và vẫn tiếp tục sử dụng các gói nới lỏng định lượng bằng cách mua trái phiếu của các ngân hàng, doanh nghiệp. Nhưng áp lực lạm phát với họ cũng đang lớn dần khi đã tăng 4,2%, cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Họ cũng phát đi tín hiệu có thể tăng lãi suất trong đầu năm tới, trước ít nhất một năm so với kế hoạch trước đây.

Một khi FED đã “đụng đậy dao thớt”, khi lãi suất của đồng USD thay đổi thì sẽ tác động tới toàn bộ thị trường thế giới, từ tỷ giá đến thị trường chứng khoán… Đây là những vấn đề buộc chúng ta phải suy nghĩ, đánh giá xem có điều gì đó sẽ khác đi so với quá khứ hoặc hiện tại. Thời gian qua, chứng khoán Mỹ, chứng khoán Việt Nam đã và đang tăng mạnh. Nhưng đại dịch này buộc ta có cách thức tư duy là có những thay đổi đột biến của xã hội, y tế, tài chính, tiền tệ, mà ta không thể chủ quan. Diễn biến thế nào ta chưa thể biết, nhưng dưới góc độ tiền tệ, tài chính thì buộc phải rất lưu ý và theo sát.

PV: Nếu dưới góc độ là nhà quản lý, người làm chính sách, theo ông những vấn đề quan trọng nhất để thích ứng với bối cảnh “bình thường mới” này là gì?

Ông Trương Văn Phước: Quan điểm của tôi là làm sao thị trường hóa phục hồi càng nhanh càng tốt. “Cái gì của Caesar, hãy trả lại cho Caesar”, điều mấu chốt vẫn là hãy trả lại cho thị trường những gì thuộc về nó. Tức là chúng ta hãy trao về cho thị trường đầy đủ các công cụ, vũ khí, phương tiện để ứng phó với những biến động của mọi hoàn cảnh.

Nhà đầu tư mở tài khoản tại một công ty chứng khoán trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Nhà đầu tư mở tài khoản tại một công ty chứng khoán trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Bác Hồ năm 1946 đã có câu nói rất nổi tiếng “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, trở thành cảm hứng, kim chỉ nam hành động cho nhiều thế hệ sau này. Bất biến là những gì phải giữ, là những nguyên tắc không thay đổi, vạn biến là những điều kiện, kịch bản, biến động của xã hội, của thị trường. Với thị trường tài chính, thế giới sẽ luôn có biến động, Mỹ sẽ điều chỉnh lãi suất, dòng vốn sẽ dịch chuyển… đó là thứ vạn biến. Điều bất biến là hãy để thị trường được trang bị, hành xử theo nguyên lý của nó. Khi thị trường hoạt động đúng theo các thông lệ tập quán tốt, nó sẽ điều chỉnh, thích ứng trong mọi hoàn cảnh, từ frontier (thị trường cận biên) đi lên emerging market (thị trường mới nổi)…

Có thể nói, cũng như với dịch Covid-19, cách ứng phó với thị trường không phải là “phong tỏa”, “giãn cách” thị trường, khiến mọi thứ bị động, lúng túng, mà phải cho thị trường tự điều trị, tự thích nghi với “vắc-xin” là nguyên tắc, khuôn mẫu quản trị hiện đại của thế giới, Nhà nước không can thiệp nhiều.

PV: Xin cảm ơn ông!

Quy luật “lãi suất thấp thì chứng khoán tăng”

“Có thể nói rằng, diễn biến vừa qua của thị trường chứng khoán có nhiều lý do, nhưng nó không phản ánh đúng bản chất của chứng khoán, mà là do hiện tượng tiền quá nhiều trong nền kinh tế, kết hợp với lãi suất vô cùng thấp, thì chứng khoán đi lên. Đến một lúc nào đó, có thể tiền sẽ ít đi, lúc đó sẽ ra sao? Mỗi hiện tượng tài chính, tiền tệ đều có quy luật, nguyên nhân sâu rộng là lãi suất thấp thì chứng khoán tăng. Về cơ bản quy luật đó là đúng, lãi suất thấp thì chứng khoán tăng”, ông Trương Văn Phước nêu quan điểm.