![]() |
Ảnh minh họa |
Thị trường năng lượng diễn biến giằng co
Theo ghi nhận từ MXV, thị trường năng lượng trong phiên giao dịch hôm qua ghi nhận những diễn biến giằng co khi nhà đầu tư tiếp tục đánh giá triển vọng nhu cầu tiêu thụ trong thời gian tới trong bối cảnh Mỹ công bố các mức thuế quan với các đối tác thương mại. Kết phiên, giá cả hai mặt hàng dầu thô đều chỉ tăng nhẹ dưới 0,1%. Giá dầu Brent chốt tại mức 70,19 USD/thùng, tăng 0,06%, trong khi dầu WTI nhích nhẹ 0,07% lên mức 68,38 USD/thùng.
Theo báo cáo tuần vừa công bố của Viện Dầu mỏ Mỹ (API) và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô thương mại tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 4/7 đã tăng mạnh hơn 7 triệu thùng, tạo áp lực đáng kể lên giá dầu trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, dữ liệu từ EIA cho thấy lượng tồn kho xăng dầu tại Mỹ lại giảm sâu tới 2,66 triệu thùng trong cùng kỳ. Động thái này đã phần nào xoa dịu áp lực giảm giá, đồng thời tạo động lực tăng giá nhờ kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu sẽ phục hồi trong thời gian tới.
Trong một diễn biến khác, giá khí tự nhiên trên sàn NYMEX đã giảm mạnh 3,77%, xuống còn 3,21 USD/MMBtu - mức thấp nhất ghi nhận từ đầu tháng 6 đến nay. Nguyên nhân chính dẫn đến đà giảm sâu này là do các dự báo mới nhất về nhu cầu điện tại Mỹ có xu hướng sụt giảm khi thời tiết nắng nóng bắt đầu dịu lại. Điều này sẽ kéo theo là sự sụt giảm nhu cầu nhiên liệu khí tự nhiên của các nhà máy điện, tạo áp lực lớn lên giá trên thị trường.
Giá bạc tiếp tục kéo dài đà giảm sang phiên thứ 4 liên tiếp
Khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, thị trường kim loại chứng kiến những diễn biến phân hóa rõ nét khi các nhà đầu tư tiếp tục thận trọng theo dõi sát những diễn biến mới nhất trong đàm phán thương mại giữa Mỹ và các quốc gia đối tác.
Chốt phiên giao dịch ngày 9/7, giá bạc tiếp tục đánh mất 0,32%, lùi về mức 36,63 USD/ounce, đánh dấu phiên suy yếu thứ tư liên tiếp.
Theo MXV, tâm lý thận trọng đang bao trùm lên thị trường kim loại quý trước ngày khi biên bản cuộc họp tháng 6 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) được công bố.
Trong khi đó, triển vọng tiêu thụ bạc tại Trung Quốc - quốc gia chiếm khoảng 40% nhu cầu công nghiệp toàn cầu đối với mặt hàng này đang trở nên kém lạc quan. Theo số liệu mới nhất, chỉ số giá sản xuất (PPI) tại Trung Quốc trong tháng 6 tiếp tục giảm sâu 3,6% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2023. Giá bán của các doanh nghiệp sản xuất liên tục lao dốc, phản ánh rõ nét tình trạng nhu cầu yếu và áp lực lợi nhuận ngày càng lớn trong lĩnh vực công nghiệp.
Trước xu hướng giảm liên tục của giá bạc quốc tế, thị trường bạc trong nước - vốn thường phản ánh diễn biến thế giới với độ trễ nhất định - nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong thời gian tới.
Theo ghi nhận ngày 9/7, giá bạc trong nước có sự phân hóa rõ nét giữa hai trung tâm giao dịch lớn. Tại Hà Nội, giá bạc giảm ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên trước. Cụ thể, giá mua vào được niêm yết ở mức 1.149.000 đồng/lượng, trong khi giá bán ra ở mức 1.182.000 đồng/lượng. Tại TP. Hồ Chí Minh, thị trường tiếp tục duy trì sự ổn định, với giá mua vào - bán ra dao động quanh mức 1.151.000 - 1.188.000 đồng/lượng.