Hệ thống về cơ bản còn thiết kế đơn tầng
Các nước thành công trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đang áp dụng theo hướng đa tầng bao gồm: Thứ nhất, tầng phổ quát do Nhà nước đảm bảo khi người dân đến tuổi già, không có lương hưu do không tham gia BHXH bắt buộc, hoặc BHXH tự nguyện thì được hưởng một khoản trợ cấp hưu trí xã hội dưới hình thức trợ cấp tuổi già, phần này do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Thứ hai, tầng BHXH bắt buộc thực hiện theo nguyên tắc đóng hưởng, chia sẻ và bền vững về tài chính, bao gồm cả chế độ hưu trí tử tuất của BHXH tự nguyện. Ở tầng này, nguyên tắc đóng hưởng, chia sẻ và bền vững tài chính là rất quan trọng. Tiếp đó là tầng hưu trí bổ sung khi người lao động hoặc doanh nghiệp muốn đóng cho người lao động để được hưởng quyền lợi hưu trí cao hơn, thường do các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và các công ty quản lý quỹ đảm nhận.
Nghị quyết số 28/NQ-TW (Nghị quyết 28) năm 2018 của Bộ Chính trị về cải cách hệ thống BHXH đã định hướng xây dựng hệ thống BHXH đa tầng ở Việt Nam bao gồm: Trợ cấp hưu trí xã hội: ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc BHXH hàng tháng; BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tới các tiểu thương tại Hà Tĩnh. Ảnh: BHXHVN |
Trên cơ sở định hướng xây dựng hệ thống BHXH đa tầng ở Việt Nam được nêu tại Nghị quyết 28 và thực trạng hệ thống, chính sách pháp luật hiện hành cho thấy, hệ thống BHXH ở Việt Nam về cơ bản còn thiết kế đơn tầng, chính sách trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi còn thực hiện riêng lẻ và chưa có sự kết nối giữa các chính sách để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, trợ cấp hưu trí xã hội đang được quy định tại Luật Người cao tuổi. BHXH cơ bản và bảo hiểm hưu trí bổ sung đang được quy định tại Luật BHXH. Với quy định hiện hành, ở Việt Nam mặc dù đã hình thành hệ thống BHXH đa tầng, tuy nhiên hiện nay các tầng đang được quy định và thực hiện theo 2 luật (Luật Người cao tuổi và Luật BHXH) khá độc lập, không có sự liên kết, hỗ trợ giữa các tầng dẫn đến không phát huy được hiệu quả trong việc thực hiện định hướng bao phủ bảo hiểm toàn dân, khuyến khích việc tự bảo đảm an sinh cho bản thân. Thực tiễn cũng cho thấy, việc thiếu sự liên kết hỗ trợ giữa các tầng còn dẫn đến tình trạng kìm hãm sự phát triển của các tầng.
Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội
Thể chế hóa chủ trương về xây dựng hệ thống BHXH đa tầng của Nghị quyết 28, tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ sung chương III về trợ cấp hưu trí xã hội, trong đó quy định công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo. Mức trợ cấp này được đề xuất nâng lên 500.000 đồng người/tháng so với mức 360.000 đồng đang thực hiện tại Luật Người cao tuổi.
Mở rộng bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, mục tiêu thiết kế chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) theo hướng đa tầng nhằm tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các tầng, đặc biệt là tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH cơ bản, nhằm nâng cao hiệu quả hướng tới mở rộng bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng. Đồng thời, khuyến khích các địa phương tùy thuộc vào khả năng ngân sách hỗ trợ thêm để người cao tuổi được hưởng mức trợ cấp hưu trí xã hội cao hơn so với mức quy định chung. |
Để phù hợp với thực tiễn triển khai trong khuyến khích các địa phương, đảm bảo tính ổn định, không gây xáo trộn cũng như phát sinh tăng nguồn lực thực hiện tại dự thảo quy định việc tổ chức thực hiện: đối với hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo, các địa phương thực hiện cùng với các chính sách xã hội, chính sách khác đối với người cao tuổi; trợ cấp hàng tháng (liên kết tầng) do quỹ BHXH đảm bảo, cơ quan BHXH thực hiện.
Đánh giá tác động của đề xuất trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, về tác động đối với ngân sách nhà nước, việc nâng mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng như trong dự thảo sẽ làm phát sinh thêm nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo chi trả cho đối tượng này. Kinh phí phát sinh thêm ước tính khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng/năm.
Còn đối với người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác, theo cơ quan soạn thảo, việc nâng mức trợ cấp sẽ giúp cho những người cao tuổi này có thêm hỗ trợ về kinh tế để cải thiện cuộc sống. Ước tính hiện nay có khoảng 1,2 triệu người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác đang hưởng trợ cấp xã hội. Điều này có nghĩa là sẽ có khoảng 1,2 triệu người có tuổi nói trên được nâng mức hưởng trợ cấp hàng tháng, sẽ có sự cải thiện về kinh tế hơn.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng lưu ý, hiện nay kinh phí chi trả trợ giúp cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng do ngân sách địa phương đảm bảo cho nên đối với một số địa phương có ngân sách còn khó khăn thì cần sẽ có thêm sự hỗ trợ từ ngân sách của trung ương.