Thống nhất cách áp dụng Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2022
Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị kịp thời nắm bắt những thay đổi tại Danh mục 2022 để tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cụ thể. Ảnh: TD.

Ngày 8/6/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 31/2022/TT-BTC về Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam (gọi tắt là Danh mục 2022), có hiệu lực từ 1/12/2022.

Danh mục 2022 gồm 21 phần, 97 chương, 1.228 nhóm ở cấp độ 4 số, 1.084 phân nhóm ở cấp độ 6 số và được chi tiết thành 11.414 dòng hàng ở cấp độ 8 số (tăng 601 dòng hàng so với Danh mục 2017).

So với Danh mục 2017 và Danh mục 2019, Danh mục 2022 tập trung vào việc cập nhật những thay đổi về công nghệ, kỹ thuật, thương mại của một số nhóm hàng để phù hợp với tình hình thực tế, bao gồm các ngành hàng thủy sản, thực phẩm chế biến, thuốc lá, hóa chất, dược phẩm, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, tác phẩm nghệ thuật...

Danh mục 2022 tuân thủ hoàn toàn Danh mục HS phiên bản 2022 ở cấp độ 6 số và Danh mục AHTN phiên bản 2022 ở cấp độ 8 số.

Theo Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), ngay sau khi Thông tư 31/2022/TT-BTC được ban hành, Tổng cục Hải quan đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các nội dung mới tại Danh mục 2022 đến các đơn vị trong toàn ngành. Bên cạnh đó, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã có nhiều công văn hướng dẫn phân loại một số mặt hàng theo Danh mục 2017, Danh mục 2019.

Tuy nhiên, để đảm bảo việc áp dụng mã số hàng hóa theo Danh mục 2022 được thống nhất, đúng quy định, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố khi thực hiện các nội dung hướng dẫn áp mã số phải phù hợp với quy định tại Thông tư 31/2022/TT-BTC.

Để đảm bảo việc tổ chức thực hiện hiệu quả, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị kịp thời nắm bắt những thay đổi tại Danh mục 2022 để tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cụ thể cho cán bộ, công chức thừa hành và doanh nghiệp.

Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp khai báo theo Danh mục 2022 kể từ ngày 1/12/2022 để tránh thiếu thông tin dẫn tới phân loại sai, không chính xác. Trong đó, cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra mô tả hàng hóa, mã số, mức thuế khai báo theo quy định tại Quy trình 1921/QĐ-TCHQ ngày 28/6/2018. Trường hợp có vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện cần kịp thời báo cáo về Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn xử lý.

Các đơn vị kịp thời nắm bắt những thay đổi tại Danh mục 2022, kiểm soát việc ban hành các thông báo giống như sau thời điểm Thông tư 31/2022/TT-BTC có hiệu lực khi sử dụng các thông báo kết quả phân tích, phân loại đối với các tờ khai trước thời điểm ngày 1/12/2022.