Dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp DN giảm thời gian, chi phí trong quá trình làm thủ tục XNK hàng hóa. Ảnh: HẢI ANH
Việc triển khai DVCTT của cơ quan hải quan đã mang lại lợi ích cho doanh nghiệp (DN) tham gia hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), theo tinh thần Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử…”, ông Lê Đức Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan chia sẻ với phóng viên TBTCVN.
PV: Ông có thể cho biết kết quả triển khai thực hiện DVCTT trong thời gian qua của ngành Hải quan nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động XNK của DN?
- Ông Lê Đức Thành: Trong thời gian qua, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được ngành Hải quan triển khai mạnh mẽ, thông qua việc cung cấp hơn 90% thủ tục hải quan dưới dạng DVCTT mức độ 3 và 4. Với mức độ triển khai DVCTT ở quy mô nêu trên, cho đến nay hầu như các thủ tục hồ sơ của ngành Hải quan được triển khai dưới dạng điện tử.
Bên cạnh đó, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan cũng cung cấp nhiều thông tin, DVCTT hỗ trợ DN trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan như: thanh toán điện tử, tra cứu biểu thuế, mã số hàng hóa; DN đăng ký sử dụng chữ ký số; tra cứu thông tin nộp thuế, nợ thuế...
![]() |
Ông Lê Đức Thành |
Kết quả cụ thể, chỉ tính từ ngày 1/1 đến ngày 15/8/2018, hệ thống DVCTT hải quan đã tiếp nhận, giải quyết hơn 67.700 hồ sơ của gần 18.000 DN, cá nhân. Thực hiện TTHC, có nhiều hồ sơ nộp qua hệ thống DVCTT như: khai bổ sung hồ sơ khai thuế; hủy tờ khai hải quan và hoàn thuế...
Trong suốt thời gian qua, hệ thống DVCTT luôn vận hành thông suốt, đảm bảo cho việc xử lý các nghiệp vụ của cá nhân, DN thực hiện TTHC cũng như của cơ quan hải quan.
Việc thực hiện TTHC bằng phương thức điện tử DVCTT mang lại lợi ích cho DN, khi có thể theo dõi trực tuyến toàn bộ quá trình xử lý TTHC của cơ quan hải quan, góp phần công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan hải quan, giảm sự tiếp xúc trực tiếp với DN, dễ phát sinh tiêu cực.
PV: Một số DN vẫn cho rằng, cần nâng cao hơn nữa chất lượng DVCTT của cơ quan hải quan và TTHC trên Cổng thông tin Cơ chế một cửa quốc gia (NSW). Ngành Hải quan có giải pháp gì để đáp ứng mong muốn đó của DN, thưa ông?
- Ông Lê Đức Thành: Hiện nay, việc cung cấp DVCTT và TTHC lên NSW chưa thể thỏa mãn yêu cầu của DN do công tác triển khai của các bộ, ngành trong đó có cơ quan hải quan cần có khoảng thời gian cho phép để triển khai trọn vẹn DVCTT đạt mức độ 3 và 4. Trong đó, có việc đẩy mạnh cung cấp DVCTT, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, nâng cao năng lực của đội ngũ thực thi để có thể triển khai đồng bộ tất cả các TTHC.
Thời gian tới, ngành Hải quan tiếp tục cùng với các bộ, ngành đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp DVCTT và TTHC lên NSW và không chỉ dừng lại nội bộ quốc gia Việt Nam mà còn kết nối TTHC tham gia Cơ chế một cửa ASEAN (ASW).
Tổng cục Hải quan đang đẩy mạnh tham gia ASW với các nước trong khu vực để trao đổi thông tin về chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và tờ khai hàng hóa…, qua đó góp phần thúc đẩy việc thông thương hàng hóa qua biên giới. Tính đến ngày 15/7/2018, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 4 nước nêu trên là gần 33.000 C/O; tổng số C/O Việt Nam gửi tới 4 nước là 16.200 C/O.
Không chỉ dừng lại trong khu vực, từ ngày 5/10/2018, Việt Nam cũng tiến hành thử nghiệm thực hiện trao đổi thông tin điện tử hải quan của 5 nhóm hàng hàng hóa trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU).
PV: Trong thời gian tới ngành Hải quan sẽ triển khai những biện pháp gì để cùng với các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai DVCTT và kết nối TTHC với NSW?
- Ông Lê Đức Thành: Để thực hiện được TTHC mức độ 3 và mức độ 4, các bộ, ngành cũng như ngành Hải quan sẽ phải tái thiết kế lại quy trình TTHC để có thể tin học hóa, tự động hóa ở mức cao hơn; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo thông suốt để kết nối thủ tục lên NSW.
Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia về triển khai NSW, ASW, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với các bộ, ngành tích cực thúc đẩy việc kết nối thủ tục nhằm đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra tại các Nghị quyết 19/NQ-CP.
Tính đến ngày 15/8/2018, đã có 11 bộ, ngành tham gia kết nối NSW với 68 TTHC với hơn 1,4 triệu bộ hồ sơ của hơn 23.400 DN được tiếp nhận, xử lý.
Bên cạnh đó, nhằm tạo thuận lợi cho DN XNK, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng tốc quá trình luân chuyển hàng hóa XNK thông qua việc triển khai hệ thống quản lý hàng hóa tự động cảng biển, kho bãi, các địa điểm kiểm tra tập trung chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.
PV: Xin cảm ơn ông!
Từ tháng 1/2018, cơ quan hải quan đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông kết nối với 4 nước ASEAN để trao đổi thông tin C/O mẫu D điện tử gồm: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Hiện Việt Nam đang phối hợp với Brunei, Campuchia, Philippine để thiết lập, kết nối hệ thống phục vụ trao đổi thí điểm C/O mẫu D; đồng thời phối hợp với Thái Lan, Indonesia, Malaysia thiết lập hệ thống phục vụ trao đổi thí điểm tờ khai hải quan ASEAN. |
Hải Linh (thực hiện)