Đề xuất giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh
Tại dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi quy định về giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc.
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định..., số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.
Thực hiện Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 2/6/2020 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020). Theo đó, nâng mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
![]() |
Ảnh: TL minh họa |
Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế thu nhập cá nhân.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng như hiện nay thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp..., thì hiện nay cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định về giảm trừ cho bản thân người nộp thuế, giảm trừ cho người phụ thuộc mà người nộp thuế phải nuôi dưỡng. Quy định này thể hiện nguyên tắc "công bằng" và “ khả năng nộp thuế”, có tính đến đặc thù, hoàn cảnh của người nộp thuế: người có thu nhập cao hơn thì nộp thuế nhiều hơn, người có thu nhập như nhau nhưng có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người phụ thuộc hơn thì nộp thuế ít hơn, người có thu nhập thấp chưa phải nộp thuế.
Bộ Tài chính cho rằng, việc thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại, đảm bảo công bằng xã hội. Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân đã được sử dụng để đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. |
Về bản chất, quy định về giảm trừ trước khi tính thuế đảm bảo nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như: ăn, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh..., vì thế, thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế. Việc áp dụng các khoản giảm trừ còn hướng tới mục tiêu loại trừ các đối tượng có thu nhập thấp ra khỏi diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân cần đảm bảo phù hợp với hoàn cảnh sống của người nộp thuế đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội, mức sống và thu nhập bình quân của người lao động.
Do vậy, dự thảo Luật đề xuất giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được giảm trừ khi tính thuế
Điều 20 Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành quy định các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được trừ vào thu nhập trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công bao gồm: khoản đóng góp vào tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già không nơi nương tựa; khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học.
Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được giảm trừ khi tính thuế. Ảnh: TL |
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, việc hình thành và mở rộng các quỹ xã hội, quỹ từ thiện là giải pháp để giúp Chính phủ hỗ trợ phúc lợi cho các đối tượng yếu thế. Trong đó, các nguồn quỹ được hình thành từ sự huy động, đóng góp của người dân, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã góp phần thực hiện tốt các chính sách đền ơn, đáp nghĩa, an sinh xã hội, hỗ trợ đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hay trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, bão lũ... thời gian qua.
Do vậy, việc rà soát để bổ sung phạm vi xác định các khoản đóng góp được giảm trừ là cần thiết để thúc đẩy người lao động có điều kiện thuận lợi tham gia hỗ trợ cho các quỹ này.
Theo đó, tại dự thảo Luật, Bộ Tài chính đề xuất các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được trừ vào thu nhập trước khi tính thuế đối với thu nhập tiền lương, tiền công của người nộp thuế là cá nhân cư trú, bao gồm: khoản đóng góp vào tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già không nơi nương tựa.
Khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học; khoản đóng góp vào các tổ chức có chức năng huy động tài trợ được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cơ sở và các quỹ phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học, không nhằm mục đích lợi nhuận.
Đồng thời, người nộp thuế được giảm trừ vào thu nhập trước khi tính thuế các khoản chi cho y tế, giáo dục - đào tạo của người nộp thuế và của bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con đang là người phụ thuộc của người nộp thuế theo mức do Chính phủ quy định.
Các khoản chi phải đáp ứng các điều kiện về hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật và không được chi trả từ các nguồn khác./.