2 phương án sửa đổi biểu thuế

Tại dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án sửa đổi biểu thuế, theo hướng giảm số bậc và nới rộng khoảng cách thu nhập.

Ở cả hai phương án, mức thuế tối thiểu 5% tương ứng với thu nhập tính thuế trong tháng là 10 triệu đồng (sau khi giảm trừ gia cảnh, các chi phí tính thuế khác). Mức thuế tối đa là 35%, với thu nhập tính thuế trên 80 triệu đồng (phương án 1) và 100 triệu đồng trở lên (phương án 2).

Theo Bộ Tài chính, việc thu hẹp số bậc thuế sẽ đơn giản trong quản lý, thu thuế, tạo thuận lợi cho kê khai và xu hướng cải cách thuế trên thế giới. Thực hiện theo hai phương án đều đáp ứng được mục tiêu giảm bậc, điều chỉnh thu nhập tính thuế ở từng bậc.

Bộ Tài chính đề xuất rút biểu thuế thu nhập cá nhân từ 7 bậc xuống còn 5 bậc
2 phương án sửa đổi biểu thuế Bộ Tài chính đề xuất. Ảnh: TN

Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, mức độ ảnh hưởng của hai phương án là khác nhau. Phương án 1 giảm thuế cho thu nhập trên 10 triệu đồng, phương án 2 giảm nhiều hơn cho thu nhập trên 50 triệu đồng.

Chẳng hạn, với phương án 1, cá nhân có thu nhập tính thuế 10 triệu đồng một tháng sẽ được giảm 250.000 đồng. Tương tự, thu nhập 30 triệu được giảm 850.000 đồng, thu nhập 40 triệu đồng là 750.000 đồng và trên 80 triệu khoảng 650.000 đồng...

Ông Nguyễn Quang Huy - Giám đốc Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, việc điều chỉnh biểu thuế theo hướng hợp lý không chỉ giảm áp lực thuế mà còn tạo động lực làm việc và cống hiến.

"Trong bối cảnh kinh tế có nhiều thay đổi, việc điều chỉnh chính sách thuế theo hướng linh hoạt, phù hợp với thực tế là điều cần thiết để tạo động lực phát triển cho người lao động và nền kinh tế Việt Nam. Việc cải cách biểu thuế lũy tiến không chỉ đảm bảo tính công bằng mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khuyến khích lao động chất lượng cao và tạo nguồn thu ngân sách bền vững" - ông Nguyễn Quang Huy - Giám đốc Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi.

Khi thuế suất được điều chỉnh phù hợp, người lao động có thu nhập cao sẽ không còn cảm giác bị đánh thuế quá nặng, từ đó sẵn sàng gia tăng thu nhập chính thức thay vì tìm cách lách thuế.

Đồng thời, một hệ thống thuế hợp lý cũng giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh trong việc thu hút và giữ chân lao động chất lượng cao, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám do thuế suất cao làm giảm thu nhập thực tế.

Số bậc thuế ở các nước châu Á dao động từ 5 - 13

Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành quy định biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 bậc thuế, gồm: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%.

Qua quá trình thực tế thực hiện, có quan điểm cho rằng, biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành là chưa hợp lý, quá nhiều bậc. Cạnh đó, giãn cách giữa các bậc quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, số lượng phải quyết toán thuế trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều.

Bộ Tài chính đề xuất rút biểu thuế thu nhập cá nhân từ 7 bậc xuống còn 5 bậc

Biểu thuế thu nhập cá nhân hiện hành. Ảnh chụp màn hình

Bộ Tài chính cho biết, việc áp dụng thu thuế thu nhập cá nhân theo các mức thuế suất lũy tiến từng phần là chính sách được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.

Xu hướng chung được một số quốc gia thực hiện gần đây là thực hiện đơn giản hóa biểu thuế thông qua việc giảm số bậc trong biểu thuế.

Về mức thuế suất, Bộ Tài chính phân tích, mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân cao nhất ở một số quốc gia được điều chỉnh theo hướng tăng lên. Trong năm 2024, Phần Lan tăng mức thuế suất cao nhất từ 57% lên 57,3%; Lithuania tăng từ 20% lên 32%; Mauritius tăng từ 15% lên 20%.

Một số nước châu Á áp dụng mức thuế cao nhất là 45% (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc); mức 30% (Malaysia) và 35% (Philippines, Indonesia). Một số quốc gia áp dụng mức thuế thấp nhất là 0% (Malaysia, Algeria, Ấn Độ).

Số lượng bậc thuế ở các quốc gia không giống nhau, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội và định hướng chính sách thuế của từng nước.

Tại khu vực châu Á, trong số các quốc gia đã được nghiên cứu, số bậc thuế dao động từ 5 - 13 bậc. Cụ thể, có 3 quốc gia áp dụng 7 bậc thuế, 2 quốc gia áp dụng 5 bậc và 2 quốc gia áp dụng 8 bậc. Đáng chú ý, Singapore là quốc gia có số bậc thuế nhiều nhất với 13 bậc.

Ở các khu vực châu Âu, Bắc Mỹ và châu Úc, phần lớn các quốc gia áp dụng từ 5 - 6 bậc thuế. Riêng Mỹ áp dụng 7 bậc, còn Albania là nước có số bậc thuế ít nhất, chỉ 2 bậc./.