TT

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị ngày 7/7. Ảnh: VPB

Đây là đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị “Sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng cuối năm 2020 của ngành Tài chính”, diễn ra sáng 7/7.

Ngành Tài chính đóng góp lớn vào kết quả phòng chống dịch thành công

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm lại những khó khăn, kết quả vừa qua khi dịch Covid-19 lây lan và khẳng định, dù trong bối cảnh nào, ngành Tài chính cũng là huyết mạch của nền kinh tế, không có tiền bạc, ngân sách không thể điều hành tốt, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.

“Trong khó khăn, chúng ta càng thấy vai trò quan trọng của ngành Tài chính nước nhà. Cùng với chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá là một trong những công cụ quan trọng nhất của Nhà nước để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng”, Thủ tướng nêu rõ. Vì vậy, khi tổng cầu yếu như hiện nay, hệ thống tài chính phải xem cần làm gì để đóng góp cho “cỗ xe tam mã” gồm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, nhằm đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Qua lắng nghe các ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi thấy ngành Tài chính có quyết tâm rất cao giữ chính sách tài khoá rộng mở hơn để thúc đẩy phát triển. Các địa phương và ngành Thuế cũng đều thể hiện quyết tâm này, với khẳng định không điều chỉnh các chỉ tiêu ngân sách, hoặc chỉ điều chỉnh rất ít. “Đây là quyết tâm rất đáng trân trọng của ngành Tài chính và của các địa phương”, Thủ tướng nói.

Phân tích tình hình hiện tại, Thủ tướng cho rằng ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn rất lớn, cho dù nước ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Trên thế giới nhiều nước lớn tăng trưởng âm, buộc phải thay đổi chính sách, nới lỏng chính sách chưa từng có để hỗ trợ người dân và nền kinh tế, chấp nhận để nợ công tăng mạnh.

Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn về du lịch, xuất khẩu, nhưng qua báo cáo hôm nay cho thấy chúng ta “chưa đến nỗi nào”. Về tổng thể vẫn duy trì được yếu tố nền tảng căn bản và có nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội. "Kết quả quan trọng đạt được ở cả 3 trụ cột phòng chống dịch, duy trì tăng trưởng và an sinh xã hội là thành công lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có đóng góp quan trọng của ngành Tài chính", Thủ tướng nêu rõ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng có đóng góp quan trọng trong ứng dụng công nghệ mới để làm việc từ xa, học tập từ xa, triển khai cổng dịch vụ công quốc gia… Ứng dụng công nghệ chưa bao giờ có sự chuyển biến nhanh mạnh mẽ như vậy, trong đó ngành Tài chính có nền tảng tốt nhờ đi trước một bước.

Thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao trong điều hành

Về các giải pháp điều hành cụ thể, trong thời gian dịch bệnh, ngành Tài chính đã xử lý kịp thời mọi khoản kinh phí, đảm bảo phòng chống dịch, cách ly xã hội, hỗ trợ người dân, viện trợ… Đặc biệt là đã đề xuất các chính sách giảm thuế, phí, chưa tăng lương… rất hợp lòng dân. Không chỉ giao dự toán năm nay sớm, tạo sự chủ động cho các cấp ngân sách, mà ngành cũng đã có một số biện pháp rất ấn tượng để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời cho người dân, DN. “Nói chung, tinh thần trách nhiệm của chúng ta trong đại dịch rất rõ nét, là một thử thách trong điều hành”, Thủ tướng đánh giá.

Bên cạnh đó, Thủ tướng biểu dương ngành Tài chính đã thực hiện khá tốt các nhiệm vụ tài chính - ngân sách đã đề ra, nhất là trong tăng cường quản lý thu và tiết kiệm chi ngân sách, đảm bảo nguồn cho các nhiệm vụ chi cấp bách, quan trọng về phòng chống dịch, thiên tai, hạn hán và những việc mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu. Ngành Tài chính, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, các địa phương, các đơn vị thuộc bộ, đã có nhiều cố gắng không chỉ trong hoạt động chuyên môn mà còn nhiều hoạt động xuất sắc, nổi bật khác.

“Nhân dịp này, tôi ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực phấn đấu của ngành Tài chính nói riêng và toàn thể hệ thống tài chính, các bộ, ngành, địa phương nói chung. Chính đội ngũ trên 70 nghìn cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính đã góp phần quan trọng cùng cả nước để vượt qua khó khăn, đạt được kết quả bước đầu trong phát triển kinh tế, an sinh xã hội”, Thủ tướng nói.

Cùng với những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức và yêu cầu đặt ra với ngành Tài chính. Đó là kinh tế thế giới còn suy thoái kéo dài, đầu tư và thương mại giảm mạnh, rủi ro thị trường tài chính - tiền tệ tăng, áp lực lạm phát vẫn còn… Những yếu tố này ảnh hưởng lớn đến các nhiệm vụ, mục tiêu điều hành của ngành.

Do đó, từ giờ đến cuối năm, nhiệm vụ của Bộ Tài chính rất nặng nề. Bộ Chính trị đã có kết luận, không đặt vấn đề cứng nhắc là phải tăng trưởng mức nào, nhưng cho phép điều chỉnh một số chỉ tiêu quan trọng như thu NSNN, bội chi… kể cả tăng trưởng có thể thay đổi để phù hợp, tạo không gian điều hành để nắm bắt thời cơ phát triển. Trước thực tiễn, khung chính sách này, Bộ Tài chính cần sớm có lời giải cho câu hỏi: “ngành Tài chính cần tiếp tục làm gì để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ người dân”.

Dẫn lại ý kiến các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh khó khăn, công cụ tài khoá cần được sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn để góp phần thúc đẩy kinh tế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần đề xuất cho Đảng, Nhà nước những biện pháp quyết liệt hơn để đưa đất nước tiến lên trong bối cảnh này.

Trong đó, phải đảm bảo 3 nhiệm vụ trọng tâm của ngành, đó là: bảo đảm dự toán thu chi, “dù rất khó”; đảm bảo nguồn lực tài chính cần thiết để hỗ trợ phát triển kinh tế; đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế.

TT
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: ngành Tài chính đã xử lý kịp thời mọi khoản kinh phí, đảm bảo phòng chống dịch, cách ly xã hội, hỗ trợ người dân, viện trợ… Đặc biệt là đã đề xuất các chính sách giảm thuế, phí, chưa tăng lương… rất hợp lòng dân. Ảnh: Đức Minh.

Chính sách tài khóa, tiền tệ còn dư địa lớn

Với tình hình hiện nay, Thủ tướng phân tích so với các nước không gian tài khoá, tiền tệ của chúng ta còn dư địa lớn với tỷ lệ nợ công liên tục giảm và mới ở mức khiêm tốn khoảng 54,5% từ mức 64,8% đầu nhiệm kỳ, một nỗ lực lớn có đóng góp quan trọng của ngành Tài chính. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất còn cao, tình hình vĩ mô ổn định.

Cho rằng đây là lợi thế lớn của chúng ta trong phục hồi kinh tế, Thủ tướng yêu cầu chính sách tài khóa phối hợp tốt với chính sách tiền tệ để điều hành hài hòa, phát huy vai trò trong phát triển kinh tế.

“Tài chính không chỉ là đảm bảo thu chi ngân sách mà cần được hiểu theo nghĩa rộng là nuôi dưỡng nguồn thu, tạo động lực thúc đẩy kinh tế, đặc biệt trong tình hình khó khăn hiện nay”, Thủ tướng nói.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm của ngành Tài chính trong thời gian tới.

Về chính sách tài khóa, ngành Tài chính cần chủ động nghiên cứu, xây dựng, sớm báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp tài khóa linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Về điều hành nợ công, với tỷ lệ nợ công dưới 55% GDP nên có thể nâng mức bội chi, tăng tỷ lệ nợ công lên thêm khoảng 3 – 4% GDP mà không ảnh hưởng đến an toàn tài chính quốc gia trước mắt và lâu dài, Thủ tướng chỉ đạo và yêu cầu ngành coi đây là nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

“Các nước trong khủng hoảng hỗ trợ khoảng 10% GDP, nước ta có quy mô GDP khoảng 300 tỷ USD thì 10% GDP là 30 tỷ USD. Nên phải tính toán biện pháp mạnh mẽ hơn để kích thích nền kinh tế”, Thủ tướng nói.

Đối với điều hành giá cả, tiếp tục tăng cường kiểm soát thị trường giá cả, quản lý tốt giá xăng dầu, điện nước, giáo dục… để không ảnh hưởng đến chỉ số giá. “Cương quyết giữ lạm phát dưới 4%, nhưng không thắt chặt chính sách tài khoá và tiền tệ” là yêu cầu được lãnh đạo Chính phủ nhắc lại một lần nữa.

Cùng với đó, rà soát thực hiện hiệu quả các biện pháp phát triển ổn định thị trường chứng khoán, phòng chống rủi ro, xử lý nghiêm các vi phạm. Tập trung xây dựng hệ thống phân tích, đánh giá, dự báo… chuẩn bị tốt cho việc xây dựng các kế hoạch tài chính ngân sách phù hợp trong tình hình mới, như kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm, 3 năm…

Về thu NSNN, Thủ tướng cho rằng đây là nhiệm vụ cấp bách, có sự đồng lòng chung tay của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Có thể cần giảm thì giảm, cần chậm thì chậm, nhưng không làm dự toán NSNN bị đổ bể sâu. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu bí thư, chủ tịch, lãnh đạo địa phương chỉ đạo sát sao thực hiện các giải pháp, cái gì cần giảm thì giảm ngay, cái gì tích cực thu được thì làm ngay, làm đến nơi đến chốn. “Bộ Tài chính đã chỉ ra khoản nào địa phương có thể thu, chứ không phải ép các đồng chí không có cơ sở”, Thủ tướng cho biết.

Khó giải ngân thì điều chuyển vốn cho nơi khác

Về chi NSNN, nhắc lại câu tục ngữ “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, Thủ tướng nêu ví dụ khi tiết kiệm 70% chi phí đi công tác nước ngoài, thì ở trung ương đã tiết kiệm hơn 700 tỷ đồng, ở các địa phương còn lớn hơn nhiều, như vậy hoàn toàn có thể thực hiện ngay.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát khẩn trương, báo cáo Chính phủ để triển khai gấp. Thành lập các đoàn kiểm tra của trung ương, kịp thời đề xuất điều chuyển vốn ngay trong tháng 8, coi việc giải ngân là tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, địa phương.

“Các đồng chí đi chỗ này chỗ khác, xin vốn, bổ sung danh mục công trình, về không triển khai mà giao hết cấp dưới. Đi đâu cũng kêu khó giải phóng mặt bằng, khó thì đừng có xin về để mang tiếng, khó thì để điều chuyển các nơi khác”, Thủ tướng nghiêm khắc nhắc nhở và yêu cầu các bí thư, chủ tịch, lãnh đạo Sở Tài chính phải xuống tận nơi xem xét tháo gỡ các vướng mắc.

Một loạt các nhiệm vụ quan trọng nữa của ngành Tài chính cũng được Thủ tướng nêu tại hội nghị, đó là: làm tốt hơn nữa việc mua bổ sung hàng dự trữ quốc gia để chuẩn bị phòng chống thiên tai, phòng chống dịch bệnh, giữ cân đối dự trữ quốc gia để đảm bảo các cân đối lớn; đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật về thuế, phí để thu hút đầu tư, nhất là các tập đoàn đa quốc gia đang dịch chuyển đầu tư trên thế giới; cùng các bộ ngành liên quan rà soát đề xuất khung pháp lý cho kinh tế số, tiếp tục là cơ quan đi đầu trong xây dựng Chính phủ điện tử. Các cơ quan Thuế, Hải quan định kỳ đối thoại với DN, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cho DN.

Về kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tăng cường giám sát thực thi công vụ, không để xảy ra nhũng nhiễu tiêu cực, tăng cường ứng công nghệ, giảm tiếp xúc và cắt giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra, chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm, minh bạch hóa cơ chế xử lý.

Với công tác cán bộ, Thủ tướng cũng hoan nghênh ngành Tài chính đã thực hiện tốt, đi đầu trong rà soát sắp xếp bộ máy, đặc biệt là ngành Thuế. Toàn ngành từ 7,5 vạn người nay còn 6,7 vạn người, giảm gần 10%. Tổng cục Thuế đã giảm 297 chi cục mà vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.

Trong hội nhập tài chính quốc tế, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện tốt chương trình mở rộng kế hoạch tài chính, cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời, thực hiện các giải pháp để không ảnh hưởng đến hệ thống tín nhiệm của Việt Nam. “Vừa rồi chúng ta giữ được hệ số tín nhiệm là cố gắng lắm, rất hoan nghênh ngành Tài chính”, Thủ tướng biểu dương./.

>> Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngành Tài chính

>> Các địa phương phấn đấu đạt cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020

H.Y