Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức sáng 14/1, theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố.

Hoàn thành 6/6 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2022, ngành LĐ-TB&XH hoàn thành 6/6 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Ngành LĐ-TB&XH đã tập trung thực hiện các biện pháp đảm bảo việc làm, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; hỗ trợ, thu hút người lao động quay trở lại làm việc, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quản lý phát triển xã hội bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Văn Nam.

Theo đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng gần 1% so với năm 2021; lao động có việc làm tăng 1,5 triệu người; thu nhập bình quân tháng của lao động tăng gần 1 triệu đồng.

Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững

Thủ tướng đề nghị ngành LĐ-TB&XH và các ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Có chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong năm, ngành cũng đưa gần 143 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục được chú trọng.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nét nổi bật trong năm 2022, ngành LĐ-TB&XH đã hỗ trợ trên 1,4 triệu lượt người sử dụng lao động, các đối tượng yếu thế và gần 69 triệu lượt người lao động với tổng kinh phí trên 104 nghìn tỷ đồng; xuất gần 25 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho hơn 1,6 triệu người; trợ cấp thường xuyên cho gần 1,2 triệu người có công với cách mạng.

Cùng với đó, ngành đẩy mạnh giải quyết hồ sơ tồn đọng, xác nhận người có công trên tinh thần không bỏ sót những người có đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế...; bảo đảm thực hiện chế độ cho hơn 2,5 triệu người cao tuổi, 1,5 triệu người khuyết tật. Các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương, quan hệ lao động tiếp tục được thực hiện hiệu quả. Đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao.

Theo đó, ngành LĐ-TB&XH thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp với các cam kết quốc tế; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em; tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới; đẩy mạnh công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội...

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương thảo luận thống nhất phương châm thực hiện nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển”.

Phát triển thị trường lao động bền vững và hội nhập

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành LĐ-TB&XH có đối tượng quản lý nhiều, phạm vi rộng, tính chất phức tạp, nhạy cảm, yêu cầu cao, khả năng đáp ứng có hạn, thời gian thì chẳng đợi ai. Vấn đề là chúng ta phải có cách ứng xử đúng đắn, luôn thích ứng, đổi mới, kịp thời đề xuất các cơ chế, chính sách, vấn đề liên quan thể chế, tổ chức thực hiện, phối hợp để quản lý tốt.

Thủ tướng hoan nghênh những công việc Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện thời gian qua, Thủ tướng nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự quan tâm, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Chính phủ cùng các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra và đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; trong đó giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, lao động và việc làm…

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quản lý phát triển xã hội bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Văn Nam.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục thời gian tới như: chỉ tiêu về tăng năng suất lao động chưa đạt yêu cầu; chưa chủ động trong xây dựng, nghiên cứu chiến lược; thị trường lao động phát triển không đồng đều, bền vững. Cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Các chính sách xã hội còn thiếu tính liên kết, chưa bao phủ hết tất cả các đối tượng. Việc tổ chức thực hiện chính sách xã hội vẫn là khâu yếu, chưa đồng bộ, đồng đều...

Về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ngành LĐ-TB&XH phải tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai hiệu quả đường lối Đại hội XIII của Đảng; kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và 10 năm; các Nghị quyết Trung ương, Bộ Chính trị; nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; có phản ứng chính sách kịp thời.

Bộ LĐ-TB&XH phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý, môi trường thông thoáng để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất với các chính sách về lao động, việc làm và đảm bảo an sinh xã hội…

Ngành LĐ-TB&XH, các địa phương phải bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng, kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch các chính sách đối với người có công với cách mạng; đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công”, huy động mọi nguồn lực chung tay chăm lo đời sống của người có công; tăng cường vận động, tôn tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ.

Cùng với đó, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; gắn kết cung - cầu lao động, nhất là giữa cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phát huy vai trò quản lý của nhà nước và của các hiệp hội, hội đoàn nghề nghiệp trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Trước mắt, Ngành cần tập trung triển khai tốt Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021-2030, Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động; tổ chức đào tạo phát triển kỹ năng lao động và cung ứng kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh xuất khẩu lao động tại chỗ…

Tập trung xử lý những vấn đề xã hội bức xúc, quan tâm

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành LĐ-TB&XH tập trung xử lý những vấn đề xã hội bức xúc, quan tâm, tạo sự chuyển biến rõ rệt về việc xác nhận, công nhận người có công; tình trạng bạo lực, xâm hại, buôn bán trẻ em, phụ nữ; tình trạng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vi phạm hợp đồng; quản lý lao động người nước ngoài ở Việt Nam; chất lượng, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn; cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý…