UBT

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên họp từ điểm cầu Hà Nội.

Hội nhập kinh tế là một trong những chương trình nghị sự chính của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Đây cũng là một trong những chủ đề được thảo luận nhiều nhất trong AIPA.

Thúc đẩy ASEAN số

Qua thảo luận, các đại biểu kêu gọi nghị viện các nước thành viên AIPA ủng hộ nỗ lực của các Chính phủ trong thúc đẩy kinh tế số và chuyển đổi số, hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp, thúc đẩy hội nhập.

Trình bày dự thảo nghị quyết về "Thúc đẩy ASEAN số có tính bao trùm nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN" (MSMEs), đại diện đoàn đại biểu Hội đồng Lập pháp Brunei kêu gọi các nghị viện thành viên đồng thuận thông qua nghị quyết để khẳng định cam kết quyết tâm trong hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế thông qua tăng cường hơn nữa kỹ thuật số.

Khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ kỹ thuật số trong việc tăng cường kết nối kinh tế ASEAN và sự sẵn sàng ứng phó của ASEAN trước những thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, tại Ủy ban Kinh tế AIPA-42, các đoàn đại biểu quốc hội/nghị viện các nước thành viên AIPA đánh giá cao nội dung dự thảo nghị quyết nhằm tiếp tục hỗ trợ các ưu tiên của ASEAN về kết nối, hội nhập khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển, bao gồm thông qua hỗ trợ thực hiện Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025); Sáng kiến cho Kế hoạch Công tác hội nhập ASEAN IV; chuyển đổi kỹ thuật số, ứng phó với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hội nhập ngành chặt chẽ hơn và sự tham gia của khu vực tư nhân.

Dự thảo nghị quyết khuyến nghị các nghị viện thành viên AIPA sử dụng chính sách hiện có và hỗ trợ các đề xuất mới về nền kinh tế số; kỳ vọng rằng việc thông qua dự thảo nghị quyết này sẽ tái khẳng định quyết tâm và cam kết của các nghị viện thành viên AIPA trong việc trao quyền cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN bằng cách thúc đẩy quá trình số hóa bao trùm của ASEAN.

Thảo luận các giải pháp, các đại biểu quan tâm đến việc ưu tiên kết nối, đặc biệt là kết nối tiểu vùng, vùng sâu và vùng xa, hội nhập khu vực và thu hẹp khoảng cách số giữa các quốc gia; đẩy nhanh quá trình hội nhập số, củng cố hạ tầng kỹ thuật số bảo đảm chi phí hợp lý và dễ tiếp cận, cần thực thi những nội dung đã đạt được đồng thuận trong khu vực về quản trị dữ liệu; khẳng định và khuyến khích vai trò của các nghị viện thành viên AIPA thúc đẩy nền kinh tế số và chuyển đổi số qua đó mang lại cơ hội kinh doanh tốt hơn; đồng thời ủng hộ các nỗ lực của các chính phủ trong các giải pháp hỗ trợ và hợp tác khu vực, kết nối thương mại.

Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa là xương sống của nền kinh tế ASEAN

Tại phiên họp, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng cho rằng, việc nắm bắt được xu thế và lợi thế của quá trình chuyển đổi số, tận dụng những cơ hội đến từ công nghệ kỹ thuật số chính là một trong những chiến lược có ý nghĩa quyết định đưa ASEAN tiếp tục phục hồi và phát triển sau khủng hoảng do Covid-19 gây nên.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cần tăng tốc quá trình chuyển đổi số để nâng cao sức chống chịu và năng lực cạnh tranh, bứt phá, đặc biệt trong bối cảnh tác động của Covid-19. Tuy nhiên, chuyển đổi số còn gặp nhiều thách thức do hạn chế về năng lực và mạng lưới kết nối. Do đó, ASEAN đang tích cực triển khai nhiều nội dung có liên quan đến 3 quá trình chuyển đổi số có tính bao trùm trong khu vực như Hiệp định về Thương mại điện tử ASEAN, Khung bảo vệ - dữ liệu cá nhân ASEAN, Khung quản trị dữ liệu số ASEAN, Kế hoạch tổng thể về số hoá ASEAN 2025 (ADM2025).

Trong Khuôn khổ Phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF), giải pháp tăng tốc khôi phục doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thông qua nâng cao kỹ năng số và tăng cường phát triển tinh thần kinh doanh của các doanh nghiệp để thúc đẩy việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số đã được nhấn mạnh, bởi đây một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh hiện nay.

Theo Kế hoạch tổng thể năm 2025 của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chính là xương sống của các nền kinh tế ASEAN. Kế hoạch chi tiết cũng lưu ý rằng, ASEAN đã nhấn mạnh đến sự phát triển và thúc đẩy các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong nỗ lực hội nhập kinh tế của mình; đồng thời tuyên bố rằng ASEAN sẽ nắm lấy công nghệ kỹ thuật số đang phát triển làm đòn bẩy để tăng cường thương mại và đầu tư.

Dương An