Những ngày đầu gian khó xây dựng nền tài chính
Ngành Tài chính vinh dự được khai sinh đúng ngày đầu tiên thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời

Sau ngày 2/9/1945, mặc dù đã tuyên bố độc lập nhưng Chính phủ lâm thời vẫn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, phức tạp. Hậu quả của hàng nghìn năm phong kiến và gần 100 năm dưới ách thống trị của chế độ thực dân Pháp và phát xít Nhật để lại thật nặng nề, làm cho nền kinh tế Việt Nam lâm vào cảnh kiệt quệ, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn.

Sản xuất các mặt bị sa sút, đình đốn, thương mại lưu thông bị nạn đầu cơ thao túng, gây bất ổn, lạm phát. Nền kinh tế, tài chính kiệt quệ, nạn đói vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi.

Chủ trương kêu gọi sự ủng hộ của toàn dân để giải quyết những khó khăn cấp bách phục vụ nhu cầu chi tiêu và tiến tới xây dựng một nền tài chính với nguồn thu ổn định nhằm đáp ứng những nhu cầu và lợi ích của nhân dân được Chính phủ bắt tay thực hiện. Nhờ đó, hàng loạt các chính sách, biện pháp thúc đẩy sản xuất, tiết kiệm, khắc phục khó khăn về kinh tế tài chính, ổn định đời sống, được nhân dân tích cực hưởng ứng...

Thành lập Quỹ Độc lập và phát động “Tuần lễ Vàng”

Ngay sau khi tuyên bố thành lập, chính quyền mới cách mạng non trẻ đã phải đối mặt với muôn vàn thách thức to lớn. Đó là nạn đói, nạn mù chữ, thù trong giặc ngoài và đặc biệt ngân khố trống rỗng. Thời điểm này, ngân quỹ trung ương chỉ còn có 1,25 triệu đồng tiền Đông Dương, trong đó có 580 nghìn đồng hào rách nát chờ tiêu hủy. Ngân sách Đông Dương 8 tháng đầu năm 1945 đã ghi hụt mất 185 triệu đồng và nợ Ngân hàng Đông Dương 300 triệu đồng.

Thực hiện chính sách tài chính lấy dân làm gốc từ những ngày đầu
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các nhà tư sản Hà Nội trước Bắc Bộ Phủ, ngày 18/9/1945. Ảnh: TL.

Quỹ của Trung ương Đảng lúc bàn giao cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng chỉ còn 24 đồng Đông Dương. Ngoài ra, còn các món nợ khác: Nợ các ngân phiếu phát hành chưa trả nợ nhân dân về số tiền hào do Ngân khố phát hành, nợ về trái phiếu ngắn hạn phát hành trong năm 1941 - 1942. Tất cả số nợ của Ngân quỹ Đông Dương lên trên 500 triệu đồng.

Trước tình hình khó khăn đó, Chính phủ lâm thời đã dựa vào dân, kêu gọi nhân dân “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải, để giữ vững quyền tự do, độc lập”. Đảng và Chính phủ chủ trương dựa vào lòng yêu nước của nhân dân, kêu gọi toàn dân tự nguyện đóng góp để giải quyết các nhu cầu chi tiêu của Chính phủ. Ngày 4/9/1945, Chính phủ đã ký Quốc lệnh số 4 thành lập Quỹ Độc lập với mục đích “để thu nhận các món tiền và đồ vật của nhân dân tự nguyện đóng góp” nhằm ủng hộ nền độc lập quốc gia.

Nhằm động viên mọi người dân yêu nước tự nguyện góp công, góp của cho Tổ quốc, trong khuôn khổ Quỹ Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ Lâm thời, gửi thư kêu gọi các tầng lớp nhân dân hưởng ứng “Tuần lễ Vàng”, với mục đích “thu góp số vàng trong nhân dân và nhất là của những nhà giàu có để dùng vào việc cần cấp và quan trọng nhất lúc này là quốc phòng”. Từ ngày 17 đến 24/9/1945, “Tuần lễ Vàng” được phát động. Ngày khai mạc ở Hà Nội, Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã thay mặt Chính phủ đọc thư gửi đồng bào toàn quốc của Hồ Chủ tịch.

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, nhiều tấm gương tiêu biểu cho tinh thần yêu nước được thể hiện thông qua “Tuần lễ Vàng” như gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ, một cơ sở tin cậy của Đảng trước cách mạng, đã nuôi giấu Bác Hồ những ngày Người viết bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử tại nhà số 48 Hàng Ngang, đã ủng hộ Quỹ Độc lập và “Tuần lễ Vàng” một số tài sản rất lớn. Sau nhiều lần ủng hộ trước và sau kháng chiến, tổng số tiền và vàng mà vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ đã đóng góp cho cách mạng lên tới 5.147 lượng vàng.

Cả nước đã thu được 370 kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương

Tổng kết Quỹ Độc lập và “Tuần lễ Vàng”, cả nước đã thu được 370 kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương, tương đương với tổng số thuế thân và thuế điền thổ thu được trên toàn quốc trong 1 năm dưới thời Pháp thuộc. Trong bối cảnh kinh tế và đời sống lúc đó, kết quả trên là một con số rất lớn có ý nghĩa quan trọng, đồng thời cho thấy lòng yêu nước của nhân dân, nhất là nhân dân lao động rất cao.

Nhiều tấm gương các nhà tư sản yêu nước khắp các vùng, miền đã tích cực ủng hộ “Tuần lễ Vàng”, đó là bà Vương Thị Lai với số vàng đóng góp là 109,872 lượng, nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà (Hải Phòng) đóng góp 105 lượng. Tại nhà thờ Bùi Chu, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn đã cởi chiếc dây chuyền vàng của mình để đóng góp cho “Tuần lễ Vàng”, chỉ giữ lại chiếc thánh giá để đeo. Không hiếm những công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ… đã đóng góp cho “Tuần lễ Vàng” chiếc khuyên tai, vật hồi môn, trang sức duy nhất. Rất nhiều đồ vật bằng đồng cũng được nhân dân ủng hộ quyên góp cho cách mạng, thậm chí, có trường hợp là những bộ tam sự, ngũ sự bằng đồng, đã bao đời dùng thờ cúng tổ tiên cũng được đem đến quyên góp vào công quỹ.

Tại Nam Bộ, dù các lực lượng vũ trang phải nổ súng chống thực dân Pháp trở lại xâm lược từ ngày 23/9/1945, nhưng chính quyền Nam Bộ đã tổ chức phát động sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, các đoàn thể cách mạng như Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc với Quỹ Độc lập và “Tuần lễ Vàng”.

Chỉ trong vòng hai tuần lễ phát động vào cuối tháng 10/1945, đồng bào tỉnh Rạch Giá - Hà Tiên đã quyên góp được 3,563 kg vàng, 13 đồng hồ vàng, một mề đay cẩm thạch gắn 18 hột xoàn; nhân dân tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau đóng góp được 9,853 kg vàng; trong tuần lễ đầu, Bến Tre đã đóng góp được hơn 100 lượng vàng; đồng bào Sóc Trăng góp được 5 kg vàng và 209.000 tiền Đông Dương ngân hàng. Như vậy, riêng miền Tây Nam bộ đã đóng góp được 2.500 lượng vàng và 20.000 tiền Đông Dương ngân hàng, cùng 25 kg vàng và nhiều tiền bạc đưa sang Thái Lan để mua vũ khí phục vụ kháng chiến…

Nhiều hình thức đóng góp tự nguyện khác

Ngoài Quỹ Độc lập và “Tuần lễ Vàng”, Chính phủ còn tổ chức nhiều hình thức đóng góp tự nguyện khác như: Thóc Bác Hồ khao quân, hũ gạo nuôi quân, quỹ mùa đông binh sỹ, đỡ đầu bộ đội,… Bên cạnh đó, còn có một số hoạt động khác như: Ăn cơm nhà làm việc nước, giúp đỡ người già yếu, tàn tật và gia đình thương binh liệt sỹ, quỹ bình dân học vụ…

Thực hiện chính sách tài chính lấy dân làm gốc từ những ngày đầu
Ảnh: TL Minh họa.

Do tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch, nhiều cán bộ, nhân viên các cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp, từ trung ương đến địa phương, không những đã gương mẫu trong các cuộc vận động tự nguyện quyên góp mà còn có ý thức san sẻ bớt gánh nặng cho tài chính nhà nước, đã hàng ngày, hàng tháng hy sinh quyền lợi cá nhân và gia đình bằng cách “ăn cơm nhà, làm việc nước”, tình nguyện làm việc không lương hoặc chỉ lĩnh một số sinh hoạt phí tối thiểu.

Qua năm 1946, do yêu cầu khẩn trương về tài chính, Chính phủ ban hành Quỹ Đảm phụ quốc phòng, đặt nghĩa vụ công dân đóng góp tài lực vào việc xây dựng và bảo vệ đất nước, được nhân dân sôi nổi hưởng ứng, mức thu được tương đương 16.000 tấn thóc.

Ở Nam Bộ, mặc dầu thực dân Pháp quay trở lại nổ súng xâm lược từ ngày 23/9/1945 và đã chiếm đóng tất cả các thành phố, thị xã, mở rộng chiến sự vào các vùng nông thôn, Quỹ Đảm phụ quốc phòng vẫn thu được 400.000 đồng Đông Dương, tương đương với 8.000 tấn thóc.

Trong bối cảnh đặc biệt, những chính sách trên đây là những chủ trương tạm thời và cấp bách.

Một quốc gia độc lập phải có một nền tài chính vững vàng ổn định. Phấn đấu để xây dựng một nền tài chính như vậy ở một nước thuộc địa nửa phong kiến bị kiệt quệ về kinh tế do tình trạng phong tỏa và bị thực dân, phát xít vơ vét đến cùng kiệt trong 5 năm, chưa kịp lấy lại hơi sức, đã phải đương đầu ngay với việc thực dân Pháp trở lại xâm chiếm, không phải là một việc đơn giản, dễ dàng.

Bởi vậy, Chính phủ đã phải tiến hành từng bước, từ chỗ chưa có kinh nghiệm, đến chỗ rút ra những kinh nghiệm hữu ích để thực hiện xây dựng một chính sách tài chính phù hợp với chế độ dân chủ nhân dân.

Tấm lòng của nhân dân với vận mệnh Tổ quốc

“Tuần lễ Vàng” là một sự kiện lịch sử tiêu biểu cho thấy việc dựa vào dân, tin dân là cách ứng xử đúng đắn và không bao giờ cũ, nhất là những lúc đất nước nguy nan. Sự kiện này cũng mang một ý nghĩa rất to lớn về mặt tài chính, quốc phòng và có ý nghĩa chính trị đặc biệt, bởi thông qua “Tuần lễ Vàng” đã thấy được tấm lòng của nhân dân với cách mạng và cao hơn nữa là với vận mệnh của Tổ quốc.