Biểu đồ: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Hồng Kông và tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam các năm 2016-2020. Nguồn: TCHQ
Sẽ bỏ thuế hải quan đối với 75% sản phẩm trong vòng 10 năm
Theo Tổng cục Hải quan, Hiệp định thương mại tự do giữa Hồng Kông và ASEAN (AHKFTA) được ký vào cuối năm 2017, chính thức có hiệu lực với Hồng Kông và 5 nước thành viên ASEAN (bao gồm Lào, Myanmar, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) kể từ ngày 11/6/2019. Thời gian có hiệu lực của Hiệp định này với các nước còn lại, gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines sẽ được thông báo khi các nước này hoàn tất thủ tục phê chuẩn.
Tổng cục Hải quan lưu ý, Nghị định số 07/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2020 và áp dụng đối với các tờ khai hải quan của các mặt hàng nhập khẩu đăng ký từ ngày 11/6/2019. Các tờ khai hải quan đăng ký từ ngày 11/6/2019 nếu đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định tại Nghị định này và nếu đã nộp thuế theo mức thuế cao hơn thì được cơ quan hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Theo cam kết của AHKFTA, Hồng Kông và Singapore sẽ dành tiếp cận thị trường miễn thuế và ràng buộc thuế hải quan ở mức 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Brunei Darussalam, Malaysia, Philippines và Thái Lan sẽ loại bỏ thuế hải quan đối với 85% sản phẩm được giao dịch với Hồng Kông trong vòng 10 năm và giảm thêm 10% số dòng thuế trong vòng 14 năm.
Việt Nam và Indonesia sẽ loại bỏ thuế hải quan đối với 75% sản phẩm trong vòng 10 năm và giảm thêm 10% dòng thuế trong vòng 14 năm. Trong khi đó, Campuchia, Lào và Myanmar sẽ loại bỏ thuế hải quan đối với 65% sản phẩm trong vòng 15 năm và giảm thêm 20% dòng thuế trong vòng 20 năm.
Nhiều hàng hóa của Hồng Kông thuộc diện cam kết cắt giảm thuế quan như nữ trang, các mặt hàng may mặc và phụ kiện quần áo, đồng hồ và đồ chơi.
AHKFTA- cơ hội thúc đẩy thương mại và đầu tư
Tổng cục Hải quan cho biết, theo nghiên cứu, với cơ cấu kinh tế đặc trưng của Hồng Kông có tỷ trọng cao của các ngành dịch vụ (chiếm 95% GDP), cơ sở hạ tầng phát triển, hiện đại, nền hành chính tiên tiến, nhân lực chất lượng cao cùng với sự hiện diện của các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, vận tải biển, hàng không,... Hiệp định AHKFTA sẽ góp phần giảm thiểu các rào cản, khuyến khích thương mại và đầu tư. Do đó, Hiệp định có hiệu lực thi hành sẽ giúp đa số các nước ASEAN (trừ Lào) tăng GDP.
Vì vậy, hợp tác với Hồng Kông trong khuôn khổ AHKFTA có thể đem lại những hiệu ứng tích cực cho phát triển kinh tế của Việt Nam, hỗ trợ thực hiện chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa của Việt Nam.
Đến nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Hồng Kông chưa cao, chủ yếu là hàng thủy sản, một số loại rau quả và gạo. Theo số liệu thống kê hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hồng Kông năm 2019 đạt khoảng 7,2 tỷ USD (chiếm khoảng 4,4%) trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Theo cam kết của AHKFTA , Hồng Kông sẽ loại bỏ thuế hải quan ngay khi hiệp định có hiệu lực. Do đó, việc thực thi Hiệp định trong khuôn khổ AHKFTA sẽ thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang thị trường Hồng Kông trong thời gian tới, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản và thực phẩm chế biến.
Về nhập khẩu, các số liệu thống kê hải quan cho thấy trong năm 2017 giá trị nhập khẩu từ Hồng Kông tăng 11% so với năm 2016 (từ 1,5 tỷ USD lên 1,66 tỷ USD). Năm 2018 và năm 2019 tổng giá trị nhập khẩu từ thị trường này lần lượt đạt 1,54 tỷ USD và 1,31 tỷ USD.
Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Hồng Kông chiếm tỷ trọng rất thấp (chỉ chiếm dưới 1%) trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Không ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách
Phân tích về tác động của AHKFTA đến số thu ngân sách, Tổng cục Hải quan đã có nghiên cứu và chỉ ra một số điểm đáng chú ý.
Đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hồng Kông, về tổng thể, sau khi thực hiện chuyển đổi từ Danh mục AHTN 2012 sang AHTN 2017 Việt Nam dành cho Hồng Kông mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 72% số dòng thuế. Thống kê cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam trong Hiệp định AHKFTA theo Danh mục AHTN 2017 cụ thể như sau:
Trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2022, mức thuế suất trung bình tại Hiệp định AHKFTA sẽ giảm từ 6,97% năm 2019 xuống 4,98% năm 2022. Mức thay đổi thuế suất trung bình lớn nhất diễn ra trong năm 2021 với mức giảm từ 6,52% năm 2020 xuống 4,98% trong năm 2021 – 2022.
Do giá trị nhập khẩu từ Hồng Kông không đáng kể, chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam nên nhìn chung việc thực hiện cắt giảm thuế trong khuôn khổ AHKFTA sẽ không tác động nhiều đến thu ngân sách nhà nước trong các năm tiếp theo.
Hiệp định AHKFTA khi được thực thi kỳ vọng sẽ giúp tăng cường cơ hội thu hút đầu tư từ Hồng Kông vào Việt Nam, góp phần đa dạng hóa nguồn hàng nhập khẩu cũng như tạo thêm cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam./.
Ngọc Linh