Hội thảo liên quan đến hoạt động phòng chống tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng có sự tham dự của đại diện Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng các chuyên gia công nghệ, an ninh mạng, các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp, nhà mạng.

Các diễn giả thảo luận giải pháp phòng chống lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng. Ảnh Đỗ Doãn
Các diễn giả thảo luận giải pháp phòng chống lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng. Ảnh Đỗ Doãn

Tại hội thảo, đại diện cơ quan chức năng, chuyên gia đã tập trung giới thiệu những thủ đoạn tinh vi mới của tội phạm, những giải pháp nhằm giúp người dân có nhiều thông tin, để tự bảo vệ mình; đồng thời đưa ra những lời khuyên, những kiến nghị nhằm ngăn chặn loại tội phạm này, để xây dựng một xã hội an toàn cho người dân.

Theo đại diện lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) thuộc Bộ Công an, Thượng tá Cao Việt Hùng – Phó trưởng phòng 4, thủ đoạn phổ biến là tội phạm giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, thuế, bảo hiểm xã hội yêu cầu người bị hại cài đặt các ứng dụng (APP) giả mạo trên điện thoại. Sau đó, chúng âm thầm kiểm soát điện thoại, rồi thực hiện giao dịch chuyển tiền để chiếm đoạt tiền của người dùng.

Ông Trần Xuân Toàn - Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ cho biết, phản ánh tới Báo Tuổi Trẻ, theo nhiều ngân hàng thương mại, vài tháng gần đây có một hình thức lừa đảo mới xuất hiện mà chưa được nhiều người nhận biết. Đó là kẻ gian lợi dụng quyền trợ năng (Accessibility) trên một số ứng dụng điện thoại, qua đó đánh cắp thông tin đăng nhập, mật khẩu, mã PIN, OTP, rồi chiếm quyền điều khiển từ xa để lấy cắp tiền trong tài khoản.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng như Bộ Công an, đơn vị cung cấp dịch vụ là ngân hàng thương mại, rồi cơ quan truyền thông là báo đài liên tục cảnh báo về hình thức, thủ đoạn, chiêu trò của tội phạm mạng hòng chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người dùng. Đáng lo ngại là thực tế đã có không ít người tiêu dùng thiếu cảnh giác click vào đường link giả mạo, cung cấp mã OTP, mật khẩu,… cho kẻ gian. Chỉ trong vài phút, tiền trong tài khoản của họ đã bị tội phạm lấy sạch. Tổng thiệt hại của những vụ tấn công lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh Đỗ Doãn
Quang cảnh hội thảo. Ảnh Đỗ Doãn

Dẫn số liệu của Tổ chức chống lừa đảo toàn cầu GASA, ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cho biết trong năm 2021, các nạn nhân bị thiệt hại 374 triệu USD do tội phạm lừa đảo, tương đương khoản thiệt hại 4.200 USD/vụ lừa đảo và 3,8 USD nếu tính trên đầu người.

Bộ Công an dự báo trong thời gian tới, hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng phát triển, có xu hướng lợi dụng các thành tựu khoa học, công nghệ như Deepfake, Deepvoice để thực hiện hành vi phạm tội. Các ngân hàng và khách hàng của ngân hàng tiếp tục là mục tiêu của tội phạm. Đối với ngân hàng, các đối tượng rà quét, tấn công hệ thống, dò tìm, khai thác lỗ hổng bảo mật, tấn công mã độc,... Đối với khách hàng của ngân hàng, các đối tượng liên tục sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Để bảo vệ tài khoản ngân hàng của người dùng, nội dung nổi bật, quan trọng được các đại biểu tập trung thảo luận tại hội thảo là giải pháp trong thời gian tới. Về phía cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động ngân hàng, ông Lê Anh Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý.

Cụ thể, cơ quan này sẽ sửa Quyết định 630/QĐ-NHNN về kế hoạch áp dụng các giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Theo đó, tới đây Ngân hàng Nhà nước sẽ quy định hạn mức giao dịch phải xác thực bằng sinh trắc học để xác định người mở tài khoản và người thực hiện giao dịch đó phải là một.

Thượng tá Cao Việt Hùng - Phó trưởng phòng 4, Cục A05 (Bộ Công an) chỉ ra những thủ đoạn lừa đảo qua mạng. Ảnh Đỗ Doãn
Thượng tá Cao Việt Hùng - Phó trưởng phòng 4, Cục A05 (Bộ Công an) chỉ ra những thủ đoạn lừa đảo qua mạng. Ảnh Đỗ Doãn

Còn về phía các đơn vị cung cấp dịch vụ, các ngân hàng thương mại cho biết sẽ tiếp tục đưa ra hướng dẫn, khuyến cáo, cảnh báo thường xuyên đến khách hàng cảnh giác về các thủ đoạn của tội phạm công nghệ.

Tại hội thảo, đại diện Bộ Công an đề nghị các ngân hàng tiếp tục phối hợp Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước để xây dựng quy trình phối hợp và thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp danh sách tài khoản ngân hàng, ví điện tử liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật từ công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc, có kết nối liên thông với Ngân hàng Nhà nước, NAPAS, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để hạn chế tình trạng sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử không chính chủ, phục vụ ngăn chặn sớm dòng tiền vi phạm pháp luật.