Xuất khẩu có cơ hội để tiếp tục lập kỷ lục

Ở góc độ thứ nhất, kim ngạch xuất khẩu tháng 1 năm nay đạt trên 30,84 tỷ USD. Ở góc độ này, sự khả quan thể hiện ở việc lần đầu tiên tháng khởi đầu trong các năm từ trước tới nay đã vượt qua mốc 30 tỷ USD. Đó là tín hiệu khả quan để cả năm 2022 có thể vượt qua mốc 30 tỷ USD - cao nhất từ trước tới nay, vượt xa so với mức kỷ lục đã đạt trong năm trước. Đồng thời, cũng là tín hiệu khả quan để vượt mục tiêu 8% (theo mục tiêu tăng 6-8%). Nếu dự báo đó là đúng thì các chỉ tiêu xuất khẩu/GDP, xuất khẩu bình quân đầu người,… cũng sẽ đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Tín hiệu khả quan từ tháng khởi đầu

Kết quả trên đạt được trong điều kiện tháng 1 năm nay đại dịch Covid-19, tuy giảm tác động ở Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng lại lan rộng ra Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An,.. hoặc bùng phát trở lại Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hải Dương,…

Thứ hai, so với cùng kỳ năm trước xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng rất cao (26,8%), cao hơn của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (2,4%) và cao hơn của tổng số cả nước (8,1%) - một hiện tượng hiếm thấy từ trước đến nay. Điều đó chứng tỏ khu vực này đã có cố gắng trong việc tận dụng ưu thế ở trong nước và những ưu đãi khi tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

Thứ ba, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu (38/54) tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 11 mặt hàng có mức tăng lớn trên 100 triệu USD. Mới qua 1 tháng đã có 32/45 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, đó cũng là 32 mặt hàng cả năm sẽ vượt 1 tỷ USD - trong đó đã có 7 mặt hàng hiện đã đạt trên 1 tỷ USD, tín hiệu cả năm sẽ vượt 12 tỷ USD. Đặc biệt, có 4 mặt hàng đạt kim ngạch 3,5 tỷ USD, mở ra tín hiệu để cả năm có thể vượt qua mốc 40 tỷ USD.

Thứ tư, trong 63 tỉnh, thành phố, có 38 địa bàn tăng, trong đó tăng lớn (trên 100 triệu USD) như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Giang, Đồng Nai, Hà Nam, Hà Nội, Phú Thọ. Có 38 địa bàn đạt trên 100 triệu USD, trong đó có 8 địa bàn đạt trên 1 tỷ USD, bao gồm cả những địa bàn thời gian qua đại dịch Covid-19 bùng phát.

Thứ năm, trong 80 thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam, có 54 thị trường tăng so với cùng kỳ, trong đó 8 thị trường có mức tăng lớn (trên 100 triệu USD), như Mỹ, Hà Lan, Đức, Hàn Quốc, Canada, Ấn Độ, Bỉ, Indonesia. Đây là những thị trường lớn và phần lớn đã cùng Việt Nam tham gia các FTA.

Thứ sáu, tháng 1 năm nay Việt Nam tiếp tục ở vị thế xuất siêu. Xuất siêu có tác dụng về 2 mặt. Một mặt dễ nhìn thấy là cán cân thương mại thặng dư, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, cùng với lượng ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn như FDI thực hiện, kiều hối, chi của khách quốc tế đến Việt Nam, ODA, đầu tư gián tiếp,… làm tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá. Mặt khác, ít người nhìn thấy là xuất siêu có tác dụng kích thích sản xuất trong nước, góp phần tăng GDP. Trong 86 thị trường xuất, nhập khẩu chủ yếu, Việt Nam ở vị thế xuất siêu với 59 thị trường, trong đó có 18 thị trường có mức xuất siêu lớn (trên 100 triệu USD), nhiều thị trường trong dánh sách đều có FTA với Việt Nam.

Nhiều tín hiệu tốt, nhưng chưa thể chủ quan

Mặc dù có nhiều tín hiệu khả quan, nhưng chưa thể chủ quan, thỏa mãn, bởi trong hoạt động xuất, nhập khẩu cũng có không ít điểm hạn chế và đứng trước những thách thức. Hạn chế, thách thức lớn nhất có từ 2 phía - cả về xuất khẩu và nhập khẩu.

Về mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, thì kim ngạch rau quả, hạt điều, sắn, than, dầu thô, dây điện và dây cáp điện, đặc biệt là điện thoại bị giảm sâu.

Lượng xuất khẩu một số mặt hàng giảm, như hạt điều, chè, hạt tiêu, sắn, than, dầu thô, xăng dầu, xơ sợi dệt,... Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực trong nước vẫn còn ở mức thấp hơn tỷ trọng về nhập khẩu (26,8% so với 33,9%); tốc độ tăng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp thấp xa so với tốc độ tăng chung. Trong khi đó, tốc độ tăng của nhập khẩu cao hơn của xuất khẩu (11,3% so với 8,1%).

Nguyên nhân có nhiều, trong đó có một số nguyên nhân đáng lưu ý. Có nguyên nhân từ hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam còn yếu. Trong nông nghiệp, lao động còn lấy công làm lãi; công nghiệp phụ trợ còn yếu, còn mang nặng tính gia công, lắp ráp, nên thực thu không cao, lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Đồng thời, có nguyên nhân giá nhập khẩu tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ, vừa làm tăng kim ngạch nhập khẩu, vừa làm tăng nhập khẩu lạm phát. So với cùng kỳ năm trước, giá nhập khẩu tăng như than (160,5%), dầu thô (80,7%), phân bón (81,1%), bông (54,8%),… Ngoài ra, còn có nguyên nhân do có một số mặt hàng nông sản chế biến chưa sâu, không có thương hiệu riêng, lại “bỏ trứng vào một giỏ”,…

Đầu tháng 2, xuất khẩu giảm mạnh do nghỉ tết

Theo số liệu được Tổng cục Hải quan công bố ngày 23/2, nửa đầu tháng 2/2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm đến hơn 33% so với nửa cuối tháng 1/2022, chủ yếu do rơi vào kỳ nghỉ tết. Kết quả này đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/2/2022 đạt 81,69 tỷ USD, tăng 9,8%, tương ứng tăng 7,3 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam mặc dù giảm mạnh trong trong kỳ đầu của tháng 2/2022 nhưng tính chung vẫn đạt 39,58 tỷ USD, tăng 2,7% tương ứng tăng 1,03 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.