Đồng Nai: Xuất khẩu quý I có nhiều tín hiệu khả quan
Dây chuyền sản xuất hàng xuất khẩu của doanh nghiệp ở Đồng Nai. Ảnh: CTV.

Hầu hết các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh trong tháng 3/2022, ước đạt trên 2,23 tỷ USD, tăng trên 500 triệu USD (xấp xỉ 30%) so với tháng trước.

Lũy kế trong quý I/2022, các doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai đã xuất khẩu hơn đạt 6,2 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2021.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của tỉnh đạt 4,6 tỷ USD, tăng hơn 5% so cùng kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước là hóa chất, thuốc trừ sâu, nguyên liệu, bông các loại…

Ghi nhận trong quý I, hầu hết các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng. Một số mặt hàng lớn được xem là truyền thống vẫn duy trì và tăng cao trong tổng thể kim ngạch xuất khẩu của tỉnh là giày dép, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng, xơ sợi dệt, dệt may. Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu được cho là tăng đột xuất, chiếm tỷ lệ khá cao gồm: Cà phê tăng gần 24%; cao su tăng 23%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 42%; xơ, sợi dệt các loại tăng 25%; sản phẩm từ sắt thép tăng gần 38%…

Thị trường xuất khẩu tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu, trong đó thị trường Hoa Kỳ đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1,88 tỷ USD chiếm 30,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Kế đó là Nhật Bản trên 574 triệu USD, chiếm 9% và thứ 3 là Trung Quốc với 560 triệu USD chiếm 9%.

Đại diện Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cho biết, riêng trong tháng 3, thời điểm dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, trở lại trạng thái bình thường mới, các DN đều tăng tốc đầu tư mở rộng sản xuất để kịp giao hàng cho đối tác nước ngoài. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 của tỉnh Đồng Nai đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng gần 30% so với tháng 2.

Mở rộng thu hút đầu tư, ưu tiên xuất khẩu

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, bước vào quý II/2022, tình hình sản xuất kinh doanh của các DN tiếp tục ổn định và phát triển theo đà tăng trưởng từ quý I. Theo đó, dự báo xuất khẩu hàng hóa vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh, nhiều DN đã ký được các đơn hàng mới với giá trị lớn và tăng cường mở rộng quy mô sản xuất.

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, không chỉ riêng với tỉnh Đồng Nai, khó khăn của năm 2022 đã sớm xuất hiện từ cuối tháng 2, khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá xăng dầu và nguyên liệu đầu vào lên cao chưa từng thấy. Giá xăng dầu tăng kéo giá gas, giá vận chuyển, giá các loại nguyên liệu sản xuất, giá hàng tiêu dùng tăng theo. Một số mặt hàng mang tính chiến lược có sức ảnh hưởng lớn đến mặt bằng giá cả như: sắt thép, nhôm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi… cũng trên đà tăng mạnh.

Cũng theo các chuyên gia, để hạn chế những khó khăn, duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu, tất cả những gì DN có thể làm lúc này là nỗ lực nâng cao nội lực, tái cơ cấu sản xuất, mở rộng thị trường…

Về phía các cơ quan quản lý, để tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế, tạo động lực tổng thể cho thị trường xuất khẩu tiếp tục duy trì và phát triển trong quý II cần phải có những giải pháp đồng bộ mang tính bền vững, lâu dài.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng, địa phương đang thực hiện thu hút vốn FDI có tính chiều sâu hơn, đem lại giá trị cao hơn, chứ không đơn thuần chỉ tập trung ở các dự án sản xuất như giai đoạn trước. Trong đó, trọng tâm thu hút các dự án thiên về dịch vụ, có hàm lượng công nghệ cao, áp dụng công nghệ xanh thân thiện môi trường, sử dụng diện tích đất hiệu quả, ít lao động trực tiếp, nâng cao năng suất, sử dụng robot, đòi hỏi tính kết nối cao cả trong nước lẫn quốc tế.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, áp dụng đồng bộ, nhanh và hiệu quả các chính sách tiền tệ của Chính phủ đã ban hành như chính sách giảm thuế, phí, hạ lãi suất, gia hạn, giãn nợ, bình ổn giá nguyên liệu đầu vào, xây dựng và triển khai các giải pháp cấp bách để chủ động ứng phó với khó khăn khó lường.

“Mục tiêu kép” năm 2022 vừa thực hiện vài tháng thì đã xuất hiện “thách thức kép” bởi những tác động liên tục của chiến tranh và dịch bệnh. Các doanh nghiệp vẫn đang khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm kiếm thị trường và tháo gỡ rào cản để tiếp cận thị trường mới.

Theo các DN, mặc dù vẫn rất tự tin vào các chính sách hỗ trợ đồng bộ và linh hoạt của Chính phủ, nhưng nếu giá xăng dầu vẫn còn ở mức cao như hiện nay, giá nguyên liệu đầu vào chưa được kìm hãm mức tăng, khả năng kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai sẽ giảm do ảnh hưởng của nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tiếp tục tăng./.