Hiện nay, một số cơ sở y tế trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế gây ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh. Ảnh Hoàng Dương |
Chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu
Bà Lê Thiện Quỳnh Như - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) cho biết, năm 2023, nhiều cơ sở y tế rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng do thiếu hụt thuốc và vật tư y tế (VTYT). Sau hàng loạt giải pháp, quyết sách của Chính phủ và các bộ ngành, các bệnh viện phần nào tháo gỡ được nút thắt trong đấu thầu mua sắm.
"Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Một số bệnh viện, cơ sở y tế vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, VTYT gây ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh" - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP. HCM thông tin.
Trong thực tiễn, để đảm bảo công tác điều trị, ngành y tế TP. HCM đã chủ động, kịp thời xử lý một số tình huống khẩn cấp. Cụ thể, đối với các trường hợp ngộ độc Botulinum Toxin vào tháng 5/2023, TP. HCM đã đề nghị Cục Quản lý dược hỗ trợ nguồn cung ứng thuốc và tiếp nhận khẩn cấp 6 lọ thuốc BAT từ Tổ chức Y tế thế giới. Sở Y tế TP. HCM cũng kiến nghị Bộ Y tế duyệt các đơn hàng nhập khẩu như globulin và phenobarbital điều trị bệnh tay chân miệng nặng, dung dịch cao phân tử Dextran điều trị sốc sốt xuất huyết. |
Cũng theo Chánh Văn phòng Sở Y tế TP. HCM, tuy Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024 nhưng chưa có nghị định và thông tư hướng dẫn kịp thời, dẫn đến chậm tiến độ mua sắm thuốc, VTYT của các cơ sở y tế công lập.
Vì thế, trước đó các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại TP. HCM đã chủ động rà soát nhu cầu sử dụng thuốc, VTYT để thực hiện mua sắm dự trữ cho quá trình chuyển tiếp và thời gian chờ ban hành các hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu.
Thời gian chờ ban hành các hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu đến nay về cơ bản, TP. HCM vẫn đủ thuốc đáp ứng cho nhu cầu điều trị. Một số thuốc bị gián đoạn tạm thời đã được các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mua sắm bổ sung bằng nguồn cung ứng khác, hoặc sử dụng các phác đồ điều trị thay thế.
Đại diện Sở Y tế TP. HCM cũng cho biết, ngoài việc thiếu thông tư hướng dẫn, hiện nay TP. HCM vẫn chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu và sản xuất thuốc. Tại một số thời điểm, nguồn cung ứng thuốc bị ảnh hưởng của dịch bệnh và các cuộc xung đột trên thế giới. Do đó, việc thiếu hụt thuốc có thể xảy ra khi nhu cầu thuốc tăng đột biến như các đợt bệnh đau mắt đỏ, tay chân miệng...
"Có nhiều trường hợp thuốc chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, nhất là đối với thuốc phục vụ nhu cầu điều trị đặc biệt do một số nguyên nhân như: Thuốc không sẵn có trên thị trường; thuốc có nhu cầu sử dụng thấp, không thường xuyên nên ít được sản xuất; thuốc có giá thành rất cao trong khi có nhu cầu sử dụng thường rất thấp…” - đại diện Sở Y tế TP. HCM thông tin.
Thành lập các tổ công tác cung ứng thuốc
Cũng theo đại diện Sở Y tế TP. HCM, hiện nay TP. HCM là nơi tập trung nhiều bệnh viện có quy mô lớn với nhiều chuyên khoa và là tuyến điều trị cuối, tiếp nhận các ca nặng từ nhiều địa phương khác, nên nhu cầu về thuốc phòng, chữa bệnh rất lớn, VTYT đặc biệt là các thuốc chuyên khoa đặc trị.
Vấn đề đảm bảo cung ứng kịp thời và đầy đủ thuốc, VTYT có chất lượng, giá phù hợp cho nhu cầu khám chữa bệnh luôn được thành phố quan tâm. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của thành phố đã rất nỗ lực trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc, VTYT.
Hiện nay nhiều bệnh viện tại TP. HCM là tuyến điều trị cuối, tiếp nhận các ca nặng từ nhiều địa phương khác. Ảnh: Hoàng Dương |
Thời gian qua, để đảm bảo nguồn cung ứng thuốc, VTYT cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố, hỗ trợ tích cực giúp đơn vị giải quyết các trường hợp khó khăn, vướng mắc, Sở Y tế TP. HCM đã thành lập các tổ công tác liên quan đến việc cung ứng thuốc như: tổ hỗ trợ công tác cung ứng thuốc tại các đơn vị, tổ bảo hiểm y tế, tổ công tác triển khai các quy định về đấu thầu thuốc.
Bên cạnh đó, ngành y tế thành phố chỉ đạo các cơ sở y tế công lập thuộc phạm vi quản lý khẩn trương triển khai công tác mua sắm thuốc ngay khi có nghị định và thông tư hướng dẫn về đấu thầu thuốc, VTYT.
Ngoài ra, Sở Y tế TP. HCM triển khai chạy thử phần mềm tra cứu thuốc cấp cứu tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn với mục đích có thể tìm kiếm nhanh nhất các thuốc cấp cứu đang tồn kho tại các cơ sở y tế, từ đó điều chuyển ngay đến nơi đang cần thuốc.
Đối với thuốc hiếm, các đơn vị chủ động lập kế hoạch đấu thầu mua sắm, dự trù đơn hàng nhập khẩu để kịp thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Sở Y tế đã kiến nghị Bộ Y tế duyệt các đơn hàng nhập khẩu như Globulin và Phenobarbital điều trị bệnh tay chân miệng nặng, dung dịch cao phân tử Dextran điều trị sốc sốt xuất huyết.
“Trong thời gian tới, Sở Y tế TP. HCM sẽ tiếp tục tham mưu UBND trình Hội đồng nhân dân về triển khai thí điểm dự trữ cơ số các nhóm thuốc cấp cứu, thuốc hiếm cho nhu cầu cấp bách để có thể điều tiết sử dụng ngay khi phát sinh ca bệnh cần điều trị” - đại diện Sở Y tế TP. HCM thông tin thêm.
Đến năm 2030, 100% thuốc được cung ứng cho nhu cầu điều trị Để khắc phục vấn đề về nguồn cung ứng thuốc trong nước, UBND TP. HCM đã ban hành Quyết định số 657/QĐ-UBND ngày 4/3/2024 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp dược TP. HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự kiến khu công nghiệp chuyên ngành y - dược sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đưa vào hoạt động từ sau năm 2031. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đảm bảo an ninh thuốc, đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc. |