Hiệu quả bước đầu

Là đô thị lớn có tốc độ tăng trưởng kinh tế gấp khoảng 1,5 lần cả nước, TP. HCM được xác định 2 đặc thù cơ bản đó là, đô thị đặc biệt với quy mô dân số và mật độ dân số lớn nhất cả nước và là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Ngay khi được ban hành, Nghị quyết 54 như một luồng gió mới thổi vào đời sống chính trị của đô thị này, công cuộc cải cách hành chính được thúc đẩy nhanh hơn; đời sống cán bộ viên chức được cải thiện; nhiều dự án trọng điểm nhóm A được tập trung đầu tư; bộ mặt đô thị chỉnh chu hơn; trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến…

Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam
Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Báo cáo gần đây nhất của UBND TP. Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội khẳng định, TP. HCM đã cơ bản hoàn thành việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54, bước đầu mang lại một số kết quả tích cực. Thể hiện rõ qua việc triển khai điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã khuyến khích các cơ sở sản xuất tiết kiệm hơn việc sử dụng nước sạch, tái sử dụng nước nhằm giảm lượng nước thải ra môi trường; tình hình trật tự, an toàn giao thông trên 23 tuyến đường thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô đã có nhiều chuyển biến tích cực, lòng đường, vỉa hè trở nên thông thoáng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ; tiến độ thực hiện các dự án nhóm A và các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất lúa trên 10 ha được đẩy nhanh hơn so với việc trình các cơ quan trung ương thẩm định, thông qua chủ trương đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của TP. HCM, các dự án chỉnh trang, phát triển đô thị, xây dựng bộ mặt đô thị TP. HCM ngày càng khang trang; chính sách chi thu nhập tăng thêm đã khuyến khích, nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; thu hút được đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhân tài tham gia đóng góp cho sự phát triển của TP. HCM.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, một số cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách như các nguồn thu từ cổ phần hóa, thưởng vượt thu, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương, tiền sử dụng đất do bán tài sản của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn… chưa được thực hiện nên chưa có nguồn vốn đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng trên địa bàn TP. HCM, chưa thật sự tạo động lực mới giúp TP. HCM phát triển nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng sống của nhân dân.

Cần pháp lý hóa cho một chính sách đặc thù

Các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo chính quyền thành phố tại 2 cuộc hội thảo liên tiếp mới đây đều thống nhất cho rằng, sau gần 5 năm thử nghiệm và điều chỉnh,

TP. HCM mới chỉ có thể thụ hưởng khoảng 50% lợi thế mà Nghị quyết 54 mang lại. Có thể lấy TP. Thủ Đức làm ví dụ cụ thể, sau hơn một năm rưỡi thành lập thì thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước này gần như chưa có một sự thay đổi nào đáng kể.

Việc TP. HCM tăng trưởng chậm, cùng những hạn chế từ hạ tầng giao thông - đô thị - môi trường, các mũi đột phá còn phát triển dưới tiềm năng… Thực tế cho thấy, sự suy giảm về sức tăng trưởng của TP. HCM dẫn tới sự suy giảm tăng trưởng của cả vùng Đông Nam bộ. Theo đó, những hạn chế, bất cập của hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị, dịch vụ… vẫn được cho là nguyên nhân dẫn đến lực cản của sự phát triển, suy giảm sức tăng trưởng, thu hẹp nguồn đầu tư của thành phố. Vẫn còn quá nhiều hạn chế về pháp lý, cơ chế vận hành, quy trình thực hiện và nhất là những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 đã khiến cho Nghị quyết 54 chưa thể phát huy tối đa tác dụng.

Nghị quyết thí điểm phải dần đi đến và trở thành các chính sách mang tính phổ quát

Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, đối với TP. HCM lúc này, vấn đề đặt ra là từ nghị quyết thí điểm phải dần đi đến và trở thành các chính sách mang tính phổ quát để hình thành một hành lang pháp lý dài hạn cho cả hiện tại và tương lai. Vì vậy, việc hình thành và vận hành một nghị quyết “đặc thù” lại không hề là đặc quyền, đặc lợi cho riêng TP. HCM, nó là phương thức, con đường để tạo nên, đi tới mục tiêu có “của để dành” cho cả khu vực, quốc gia.

Theo TS. Trần Du Lịch – nguyên đại biểu Quốc hội, đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM, thành phố đang rất cần cơ chế mới để phát triển khi mà nhiều năm qua “chiếc áo cơ chế” này đã chật và cần sự thay đổi. Nhất là mô hình thành phố trong thành phố đã thực hiện nhưng chính sách riêng cho mô hình này vẫn chưa có.

Còn theo TS. Phạm Viết Thuận – Viện trưởng Viện Kinh tế, tài nguyên và môi trường TP. HCM, việc trao quyền ở một số nội dung vẫn chưa thể giúp TP. HCM phát triển đúng như kỳ vọng, trong đó một phần nguyên nhân đến từ việc chồng chéo các điều luật, quy định trong quá trình triển khai thực hiện.

Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, đối với TP. HCM lúc này, vấn đề đặt ra là từ nghị quyết thí điểm phải dần đi đến và trở thành các chính sách mang tính phổ quát để hình thành một hành lang pháp lý dài hạn cho cả hiện tại và tương lai. Vì vậy, việc hình thành và vận hành một nghị quyết “đặc thù” lại không hề là đặc quyền, đặc lợi cho riêng TP. HCM, nó là phương thức, con đường để tạo nên, đi tới mục tiêu có “của để dành” cho cả khu vực, quốc gia. Chính vì vậy, trước tiên TP. HCM cần nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, chỉ ra được những bất cập vướng mắc để đưa ra những đề xuất phù hợp với thực tiễn.

Các chuyên gia cũng cho rằng, dù một nghị quyết mới hay cơ chế đặc thù mới dành cho TP. HCM được ban hành cho giai đoạn tiếp theo chắc chắn sẽ là điểm tựa, đòn bẩy quan trọng cho công cuộc khôi phục kinh tế xã hội sau đại dịch và xa hơn là đưa TP. HCM phát triển xứng tầm với vai trò đầu tàu kinh tế đất nước.

Sau thí điểm sẽ là gì?

Theo TS. Trương Minh Huy Vũ - Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP. HCM, riêng đối với TP. HCM, sau cuộc thí điểm, thử nghiệm gần 5 năm vừa qua, giờ đến giai đoạn thực hiện để cho ra những thành phẩm, kết quả gắn với tính chất, mục tiêu, thời cơ trong tình hình hậu đại dịch. TP. HCM cần tập trung xây dựng và triển khai các đề án, chương trình phát triển trở thành đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, ứng dụng công nghệ - dữ liệu để quản trị đô thị, phát triển không gian ngầm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại thành phố.

Bàn về chính sách đặc thù của TP. HCM cho chặng đường tiếp theo, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố tiếp tục đề xuất các cơ chế liên quan tới việc quản lý nhà nước, ví dụ như về kinh tế đầu tư, đô thị môi trường, văn hóa xã hội phù hợp với siêu đô thị TP. HCM. “Chúng tôi sẽ đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM hay là cơ chế đặc thù cho TP. Thủ Đức, thành phố trong thành phố để TP. Thủ Đức có thể hoạt động một cách tốt hơn. Ở đây có thể nói, những cơ chế đặc thù, những chính sách đặc thù mà chúng tôi đề nghị không phải là xin nhiều đặc ân mà làm sao giải phóng được nguồn lực của thành phố, để thành phố có thể tiếp tục thực hiện vai trò đầu tàu kinh tế của mình" - ông Mãi cho biết thêm.

Theo ông Mãi, những cơ chế, bổ sung mới phải góp phần giúp TP. HCM thực hiện đúng vai trò, vị trí, sứ mạng đầu tàu và phải hết sức trọng tâm, là việc lớn, là những cơ chế đặc thù vượt trội.