Ưu tiên nguồn lực, đảm bảo chỉ tiêu xử lý nước thải đô thị đến năm 2025 đạt 50-55%
Phiên chất vấn Kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố khóa XVI ngày 9/12

Dự kiến đầu tư khoảng 20 nghìn tỷ đồng phát triển các dự án xử lý nước thải

Liên quan nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trên địa bàn thành phố có 6 nhà máy xử lý nước thải đã được đầu tư, đưa vào sử dụng, đang tập trung chủ yếu ở vùng đô thị phía Bắc, phía Nam sông Hồng thuộc lưu vực sông Tô Lịch và 1 phần lưu vực Tả Nhuệ; công suất theo tính toán đạt được thực tiễn 276.300m3/ngày đêm, chiếm 28,8%. Theo số liệu gần đây, đã tăng lên đạt 285.000m3/ngày/đêm, đạt 29,1%.

Bên cạnh đó, Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (kế hoạch xong trong năm 2022) đang thi công xây dựng, tuy nhiên, bị chậm tiến độ. Khi nhà máy này hoàn thành sẽ tăng tỷ lệ xử lý nước thải toàn thành phố lên trên 50%.

Theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 725/QĐ-TTg xác định mục tiêu tỷ lệ dân số được phục vụ thu gom và xử lý nước thải đến năm 2030 đạt gần 90%, đồng thời, xác định rõ 41 công trình dự án cần thực hiện.

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, nội dung đưa chỉ tiêu xử lý nước thải đô thị đến năm 2025 đạt được 50-55%, ông Dương Đức Tuấn cho rằng đây là nội dung hạ tầng kỹ thuật quan trọng đối với thành phố. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ 5 năm trước, chúng ta chưa tập trung vào đầu tư công.

Trong nhiệm kỳ này, ngay từ đầu năm, HĐND thành phố, UBND thành phố đã tập trung phát triển các dự án xử lý nước thải, dự kiến nguồn vốn khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Nhưng kể từ khi có nghị quyết về đầu tư công, công tác chuẩn bị đầu tư còn chậm. Hiện thành phố đang giao nhiệm vụ thiết lập chủ trương đầu tư xây dựng 6 nhà máy của 5 dự án: Nhà máy xử lý nước thải Kiến Hưng, Nhà máy xử lý nước thải Sơn Tây, Nhà máy xử lý, thu gom khu vực S1, Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Nhà máy xử lý nước thải Tây Sông Nhuệ, Nhà máy xử lý nước thải khu vực Long Biên và Gia Lâm.

Đồng thời, phát triển tiếp 3 dự án, gồm: Dự án thu gom Phú Đô của khu vực S3, Dự án xử lý nước thải An Lạc, quận Long Biên và Dự án xử lý nước thải Phúc Đồng, quận Long Biên. UBND thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu lập đề xuất kêu gọi đầu tư. Như vậy, ngoài 7/41 dự án đã có, sẽ tập trung đầu tư công để triển khai phấn đấu đạt chỉ tiêu 50-55% nước thải được xử lý.

Phương án xử lý đối với 27 cụm công nghiệp chưa có trạm xử lý nước thải

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về tình trạng các cụm công nghiệp đang hoạt động nhưng không có trạm xử lý nước thải, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 27 cụm công nghiệp chưa có trạm xử lý nước thải.

Trong 27 cụm, có 19 cụm phù hợp quy hoạch, 8 cụm không phù hợp quy hoạch. Trong 19 cụm phù hợp quy hoạch, có 13 cụm đang còn diện tích để mở rộng giai đoạn 2, 1 cụm đang thu hút nhà đầu tư triển khai và 5 cụm không còn diện tích để mở rộng. Đối với 8 cụm không phù hợp quy hoạch, hiện nay Sở Công thương Hà Nội đang phối hợp với các quận, huyện để rà soát, có lộ trình chuyển đổi.

Về giải pháp khắc phục, đối với 19 cụm công nghiệp chưa có trạm xử lý nước thải, Sở Công thương đề xuất đối với 13 cụm mở rộng giai đoạn 2, chủ đầu tư phải làm trạm xử lý nước thải kết nối với giai đoạn 1. Đối với 5 cụm không còn diện tích, sở kiến nghị thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì phối hợp với các sở tiến hành đánh giá thực trạng, xây dựng trạm xử lý nước thải theo mô hình container hoặc hệ thống xử lý nước thải ngầm./.