TP. Hồ Chí Minh: Tăng tốc Dự án đường vành đai 3 là cần thiết và cấp bách Trình Quốc hội hai dự án vành đai đô thị của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh Dự án đường vành đai 3: Gỡ điểm nghẽn để TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ phát triển

Sáng 10/6, sau khi Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có giải trình làm rõ thêm những băn khoăn của đại biểu.

Sẽ làm rõ các băn khoăn trong báo cáo khả thi

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bộ tiếp thu các ý kiến sâu sắc, xác đáng của các đại biểu Quốc hội, trong đó tập trung về các vấn đề: giải phóng mặt bằng, quy mô, phân kỳ đầu tư, hình thức đầu tư, nguồn vốn, khả năng hấp thụ vốn, báo cáo đánh giá tác động môi trường, việc tăng công suất là khai thác các vật liệu thi công…

Các ý kiến này sẽ được tiếp thu và tiếp tục làm rõ trong báo cáo khả thi và trong quá trình tổ chức triển khai.

Xã hội hóa đầu tư 2 tuyến đường lớn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Về hình thức đầu tư, chủ trương là xã hội hóa, kêu gọi các nguồn lực xã hội tham gia cùng Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của cả hai dự án đối với hai vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, giải quyết được điểm nghẽn về quy hoạch không gian của đô thị, về hạ tầng giao thông của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Mặt khác, chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội đã coi hạ tầng là 1 trong 3 chiến lược đột phá để phát triển. Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác chuẩn bị và lần này được Quốc hội ủng hộ, tạo điều kiện cho các cơ chế, chính sách đặc thù để Chính phủ, các bộ, các ngành, địa phương có thể thực hiện được đồng bộ nhiều dự án giao thông quan trọng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, mục đích các dự án lần này có sự thay đổi về cách tiếp cận. Theo đó, dự án phải đảm bảo được kết nối, liên kết vùng, giảm ùn tắc, ô nhiễm; phải mở rộng được không gian phát triển cho hai thành phố và cho cả vùng; nâng cao được sức cạnh tranh và biến nó thành một động lực cho phát triển.

“Mục tiêu không chỉ để hình thành một tuyến hành lang giao thông mà phải biến nó thành một hành lang kinh tế, phải phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên, đảm bảo giá trị địa tô được chia ra làm cho Nhà nước - nhà đầu tư - người dân đảm bảo hài hòa lợi ích" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu.

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lần này cần phải tập trung đẩy nhanh tiến độ và có những giải pháp để bảo đảm hiệu quả cao để không phải điều chỉnh dự án, không tăng tổng mức đầu tư, không làm xáo trộn vào sự ổn định và đối với người dân. Đồng thời, chính sách đền bù ở vùng giáp ranh cần phải có hướng dẫn để đảm bảo không có khiếu kiện, quản lý chặt chẽ, không có sự tái lấn chiếm như các đại biểu Quốc hội đã nêu.

Đường vành đai 4 vùng Thủ đô đã kêu gọi được nhà đầu tư

Về quy mô dự án, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án vành đai 4 vùng Thủ đô quy mô quy hoạch là 6 làn xe và vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh quy mô 8 làn xe. Thiết kế như vậy là căn cứ vào nhu cầu và khả năng cân đối vốn của của giai đoạn 1.

Về việc chưa làm làn dừng khẩn cấp, Bộ trưởng cho biết, nếu làm thêm làn dừng khẩn cấp sẽ ảnh hưởng đến cân đối nguồn vốn. Do đó, trong quá trình lập dự án, thiết kế dự án cũng đã tính toán các điểm dừng phù hợp đảm bảo không bị ách tắc giao thông và vẫn đảm bảo trong điều hành; đồng thời sẽ tăng cường điều hành giao thông minh để đảm bảo được hiệu quả và an toàn giao thông.

Về hình thức đầu tư, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chủ trương đầu tư là xã hội hóa, kêu gọi các nguồn lực của xã hội để tham gia cùng Nhà nước để đầu tư hạ tầng. Vành đai 4 vùng Thủ đô đã thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng.

Tuy nhiên, đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh mặc dù có nghiên cứu đầu tư PPP (đối tác công - tư) nhưng chưa thu hút được nhà đầu tư. “Trong khi đây là dự án có tính cấp bách, quan trọng, trông chờ vào đầu tư tư nhân là rất khó, do đó đã chuyển sang đầu tư công” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Theo Bộ trưởng, có sự khác nhau về suất đầu tư giữa hai dự án. Cụ thể: về nguồn vốn và khả năng hấp thụ vốn; về các cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện dự án để đảm bảo tiến độ; việc nâng công suất lên 50% đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thi công; về chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn di dời các công trình hạ tầng hay xây dựng, tái định cư; việc quản lý chặt chẽ quỹ đất ở hai bên đường từ quy hoạch cho đến quản lý, khai thác, đấu thầu, thu tiền về cho Nhà nước, phát triển cho bài bản, đúng quy hoạch. “Việc này vai trò của địa phương rất quan trọng” - người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho hay./.