Dự án đường vành đai 3: Gỡ điểm nghẽn để TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ phát triển

Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh có quy mô 8 làn xe cao tốc. Ảnh: CTV

Tạo ra nguồn lợi nhiều hơn khoản chi cho công trình

Theo quy hoạch, đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 76,34km: đi qua TP. Hồ Chí Minh 47,51km, thuộc địa bàn thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh; tại tỉnh Đồng Nai dài khoảng 11,26km, đi qua huyện Nhơn Trạch; tỉnh Bình Dương dài 10,76km, đi qua các thành phố: Dĩ An, Thủ Dầu Một và Thuận An; tại tỉnh Long An dài khoảng 6,81km, đi qua địa bàn huyện Bến Lức. Với hướng tuyến xuyên qua các địa phương, đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng trong việc kết nối các kho, cảng, khu công nghiệp, sân bay, các vùng miền, giảm ùn tắc giao thông, mở ra triển vọng phát triển các khu đô thị…

Các chuyên gia cho rằng, đường vành đai 3 có tầm quan trọng trọng trong kết nối các đô thị vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có vai trò kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và hành lang xuyên Á, nhằm phát huy tối đa hiệu quả lợi thế các tỉnh, phát triển dịch vụ vận tải liên vùng, phục vụ công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh. Do đó, vấn đề là nên nhìn rộng ra ở khía cạnh vùng chứ không phải chỉ ở TP. Hồ Chí Minh.

Hơn thế nữa, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thời gian qua đã xuất hiện các điểm nghẽn: giao thông ách tắc; dư địa đất đai, không gian đô thị phát triển quá chật chội và mất dần động lực phát triển, làm cho động lực phát triển của cả vùng như con tàu mất trớn. Do đó, đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh sẽ tạo ra một trục giao thông chiến lược, nối kết và lan tỏa, tạo tiền đề để tháo gỡ các điểm nghẽn; mở ra hướng mới để phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Việc khai thác các quỹ đất dọc theo hai bên tuyến sau khi đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh được đưa vào vận hành sẽ tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, phục vụ tái đầu tư, phát triển.

"Đối với TP. Hồ Chí Minh, đầu tư công cho thành phố 1 đồng thì thu lại được 5 đồng, cho nên đầu tư cho đường vành đai 3 sẽ tạo ra nguồn lợi cho cả nước nhiều hơn khoản chi cho công trình này" - Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nói.

Tại kỳ họp thứ 3, rất nhiều đại biểu Quốc hội và hầu hết các đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hồ Chí Minh đều cho rằng, với đường vành đai 3 càng có ý nghĩa quan trọng hơn vì đặt trong khu vực Đông Nam Bộ, với dân số khoảng 18 triệu dân, đóng góp tới 40% GDP cả nước và trên 40% tổng thu ngân sách. Cụ thể năm 2022, vùng Đông Nam Bộ có 6 tỉnh, nhưng được giao thu ngân sách lên tới 600.000 tỷ đồng trong tổng thu ngân sách cả nước khoảng 1.400.000 tỷ đồng. Như vậy, khi đầu tư cho đường vành đai 3 thúc đẩy kết nối vùng, sẽ thúc đẩy vùng này đóng góp nhiều hơn cho cả nước cả về GDP và thu ngân sách, đồng thời phát huy lợi thế tiềm năng trong vùng.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng 1 năm thu ngân sách hơn 600.000 tỷ đồng. TP. Hồ Chí Minh trong 5 năm 2016 - 2022 thu ngân sách hơn 1.810.000 tỷ đồng, nhưng chỉ giữ lại 360.000 tỷ đồng và chuyển về ngân sách trung ương trên 1,4 triệu tỷ đồng. Vì vậy, việc đặt ra bài toán ngân sách cho đường vành đai 3, dù có gặp những khó khăn nhất định, nhưng hoàn toàn khả thi với năng lực tài chính của vùng Đông Nam Bộ, cùng ngân sách trung ương.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, với tình hình giá cả, xăng dầu tăng cao, việc kết nối hạ tầng sẽ giúp chi phí lưu thông hàng hóa, chi phí vận chuyển sẽ giảm và góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, góp phần kiểm soát giá. Do đó, việc đầu tư đường vành đai 3 trong giai đoạn hiện nay là cấp bách và rất quan trọng.

Giải phóng mặt bằng là khâu quan trọng nhất

Có rất nhiều việc phải làm ngay sau khi dự án được Quốc hội thông qua, từ khâu lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ, giải phóng mặt bằng, chỉ định thầu, tổ chức đấu thầu, tham gia giám sát công trình…Nhiều đại biểu Quốc hội và các chuyên gia mong muốn, dự án này khi thực hiện sẽ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và đặc biệt là chủ đầu tư cần có sự quyết tâm cao trong tổ chức thi công, tổ chức thực hiện dự án phải công tâm, khách quan, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của mình đối với người dân, đối với từng dự án.

Theo kinh nghiệm thực tiễn lâu nay, việc thực hiện các dự án giao thông khó nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng. Đối với đường vành đai 3, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, việc giải phóng mặt bằng để đảm bảo có mặt bằng sạch đúng tiến độ dự án cũng như việc tổ chức thực hiện dự án là 2 nhiệm vụ rất khó khăn.

Ông Mãi cũng cho biết, đến nay vấn đề giải phóng mặt bằng TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng dự án cũng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước khi trình Chính phủ và trình Quốc hội, các địa phương trong vùng dự án đã ngồi lại với nhau lên kế hoạch giải phóng mặt bằng, thống nhất các chính sách, cách thức để triển khai. Ngay khi Quốc hội có chủ trương đầu tư, TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai những bước cần thiết để bắt tay vào công tác kiểm kê, lên chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng.

“TP. Hồ Chí Minh và các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương đều đang có một quỹ nhà có thể dùng để tạm cư. Do đó chúng tôi sẽ dùng quỹ nhà để tạm cư và thực hiện các thủ tục về tái định cư để đẩy nhanh tiến độ dự án này” - ông Mãi cho hay.

Cũng theo ông Mãi, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương cũng đã bàn với nhau về các chính sách hỗ trợ tái đào tạo nghề nghiệp, cũng như hỗ trợ các sinh kế khác để giúp cho bà con ổn định trong diện tái định cư.

“Riêng TP. Hồ Chí Minh đã sẵn sàng mọi kế hoạch để sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, thành phố sẽ tổ chức hội nghị với các địa phương có giải phóng mặt bằng để bàn chi tiết từ kế hoạch, chính sách, vấn đề tái định cư sinh kế cho bà con. Chúng tôi sẽ bàn kỹ để đảm bảo rằng sẽ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng trong năm 2023, để bàn giao triển khai xây dựng dự án” - ông Mãi nói.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, dù cho chính sách bồi thường của mình có tốt đến đâu thì ít nhiều gì cũng ảnh hưởng đến an cư, đến sinh kế, việc làm của bà con, làm xáo trộn đến đời sống của bà con. Nhưng vì lợi ích của công trình để phục vụ cho cả khu vực, cho sự phát triển của vùng và đóng góp cho sự phát triển của cả nước rất cần sự chia sẻ, đồng thuận, thậm chí hy sinh của bà con để đóng góp cho việc phát triển dự án này.

Tuy nhiên, để dự án được triển khai thuận lợi, không bị ách tắc thì khâu đầu tiên giải phóng mặt bằng là vấn đề mấu chốt cần các địa phương tham gia vào cuộc để dự án được thực hiện thông suốt, hiệu quả./.