Thịt lợn giá vẫn cao, giá rau đồng loạt giảm

Tuần thứ hai của tháng 4/2022, ghi nhận hoạt động kinh tế - xã hội trở lại sôi động người dân thực sự thích ứng với trạng thái bình thường mới, nhiều trường học đón học sinh trở lại sau thời gian dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm đối với thị trường trong tuần là giá xăng được điều chỉnh giảm lần thứ 3 liên tiếp, phần nào giúp kìm đà tăng giá neo theo giá xăng trong thời gian qua.

Xăng dầu “hạ nhiệt” -  giá hàng hóa giảm theo

Tại thị trường Hà Nội, hoạt động mua bán tại các chợ truyền thống dân sinh đã thực sự trở lại bình thường, hàng hóa dồi dào, giá một số mặt hàng như rau xanh đã giảm đáng kể. Theo chủ một đầu mối đưa hàng tại chợ Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, do nguồn cung phong phú và do bớt chịu tâm lý tăng giá xăng nên giá rau giảm đáng kể từ đầu tuần đến nay.

Cụ thể, giá bí xanh đã giảm còn 20.000 đồng/kg thay vì 25.000 đồng/kg những ngày trước, giá bí đỏ cũng không cao - ở mức 12.000 đồng/kg, đậu trạch 25.000 đồng/kg, mướp đắng 20.000 đồng/kg… Giá thủy hải sản, thịt bò, gà tại chợ Tứ Liên cũng ổn định, riêng giá thịt lợn vẫn ở mức cao, từ 140.000 đến 170.000 đồng/kg, tùy loại. Ghi nhận tại một số chợ như Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm), Ngọc Thụy (quận Long Biên), Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai)… thịt lợn có mức giá từ 140.000 đồng đến 180.000 đồng/kg, tùy loại.

Tương tự, tại TP. Hồ Chí Minh, giá nhiều loại hàng hóa cũng giảm nhẹ và bình ổn trong tuần qua. Cụ thể, giá rau cải xanh, cải ngọt 12.000 đồng/kg giảm 1000 đồng/kg, giá rau xà lách 21.000 đồng/kg giảm 1000 đồng/kg, giá hành lá 15.000 đồng/kg giảm 2000 đồng/kg, cà chua 12.000 đồng/kg giảm giá 2.000 đồng/kg...

Mặt hàng thủy sản giá cả ổn định. Cá hú có giá từ 50.000- 55.000 đồng/kg; cá chim trắng có giá 35.000 đồng/kg, cá lóc nuôi có giá 48.000 đồng/kg, cá điêu hồng có giá 54.000 - 48.000 đồng/kg, tôm càng xanh có giá 235.000 - 245.000 đồng/kg...

Bên cạnh đó, tình hình cung ứng, giá hàng hóa tại các siêu thị, hệ thống cửa hàng thực phẩm trên địa bàn tiếp tục ổn định. Các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu số đông người dân rất phong phú, bảo đảm chất lượng. Tại nhiều siêu thị như Aeon, Vinmart, Big C, Co.opmart, Hapromart…, các chương trình giảm giá liên tục được triển khai nhằm hỗ trợ một phần chi phí cho người tiêu dùng trong mùa dịch Covid-19.

Kỳ vọng giá xăng tiếp tục giảm

Giá xăng dầu thời gian gần đây dần hạ nhiệt, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nỗi lo tác động tăng giá, áp lực lạm phát cũng giảm bớt và mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm nay là 4% có thể được hiện thực hóa.

Để chỉ tiêu lạm phát trong năm 2022 đạt được mục tiêu đề ra, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan quản lý không nên chủ quan, lơ là mà cần phải khắc phục những khó khăn là các yếu tố gây bất lợi lên mặt bằng giá. Trong đó, việc đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu và điều hành giá phù hợp để hạn chế áp lực đẩy chi phí đầu vào của nền kinh tế cũng như áp lực tăng giá do giá xăng dầu.

Để hỗ trợ đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, thời gian tới các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đảm bảo cung cầu; rà soát, đánh giá hệ thống phân phối xăng dầu để có điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với thực tế trong nước. Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý.

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Văn Thành - Tổng giám đốc Công ty CP vận chuyển Á Châu (quận 12, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, giá xăng giảm nhưng giá dầu còn neo ở mức cao, doanh nghiệp vẫn giữ nguyên giá cước chứ chưa thể điều chỉnh giảm ngay lập tức. Doanh nghiệp vận tải kỳ vọng giá xăng dầu tiếp tục giảm trong thời gian tới để có thể giảm giá cước. Bởi vì trên thực tế chi phí xăng dầu, phí cầu đường hiện nay đang khiến cho việc duy trì hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19.

Đối với công tác đảm bảo nguồn cung và điều hành giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng đã khẳng định, bằng nhiều giải pháp ngành Công thương đã yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối gia tăng nhập khẩu trong quý II/2022 nên nguồn cung sẽ được đảm bảo.

“Việc điều hành giá xăng dầu giảm theo giá thị trường thế giới như trong thời gian qua sẽ góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân trong những tháng tiếp theo của năm 2022” - lãnh đạo Bộ Công thương cho hay.

Sôi động thị trường đồ dùng học tập

Tuần qua tại các siêu thị, nhà sách, cửa hàng kinh doanh đồ dùng học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội, không khí mua sắm bắt đầu sôi động do học sinh các khối tiểu học, trung học cơ sở và mầm non đến lớp trở lại. Giá các sản phẩm đồ dùng học tập được đánh giá không có nhiều biến động so với những năm trước. Cụ thể, các loại tập vở, giấy kiểm tra từ những thương hiệu như Hồng Hà, Hải Tiến, Campus... có giá thành dao động từ 9.000 đến 25.000 đồng/quyển; bút bi, bút chì các loại của thương hiệu Thiên Long, KLONG... có giá từ 3.000 đến 10.000 đồng/chiếc; bút dạ, bút nhấn dòng và bút xóa có giá từ 8.000 đến 20.000 đồng/chiếc; các loại cặp sách, ba lô có giá dao động từ 200.000 đến 1.300.000 đồng/chiếc, tuỳ vào kích cỡ của học sinh.