Tiêu chí ''bền vững'' và ''hợp pháp''

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chững lại, bên cạnh những khó khăn về sức mua của thị trường, ngành gỗ đang đối mặt với nhiều khó khăn mới do thị trường đòi hỏi ngày càng cao về tính bền vững, thân thiện với môi trường. Những yêu cầu “xanh hóa” trong sản xuất, kinh doanh ngày càng khắt khe đến từ các nhà nhập khẩu càng là yêu cầu sống còn nếu doanh nghiệp Việt muốn đưa hàng hóa, sản phẩm của mình ra được thị trường thế giới.

Tính bền vững và hợp pháp là hai yêu cầu bắt buộc đối với sản phẩm gỗ xuất khẩu. Ảnh: Hữu Thọ
Sản phẩm gỗ xuất khẩu phải đáp ứng được các tiêu chí ''bền vững'' và ''hợp pháp'' về nguồn gốc nguyên liệu. Ảnh: Hữu Thọ

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Nam Trân - Giám đốc Điều hành dịch vụ chứng nhận và hệ thống của Công ty SGS Việt Nam - đơn vị chuyên thẩm định và cấp các chứng chỉ sản xuất rừng bền vững, 85% người tiêu dùng châu Âu coi tính bền vững là yếu tố quan trọng khi mua sản phẩm gỗ. Do vậy, yêu cầu về “bền vững” và “hợp pháp” đã trở thành nguyên tắc cho các sản phẩm gỗ muốn xuất sang thị trường châu Âu, Hoa Kỳ và nhiều nước khác.

Việt Nam là một trong những “ông lớn” trong ngành chế biến, xuất khẩu gỗ; đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, xuất khẩu đến hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Thực tế cho thấy, câu chuyện cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC), chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (COC) dù không mới nhưng vẫn rất thời sự. Riêng tại châu Âu, bắt đầu từ tháng 12/2024, quy định chống mất rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) sẽ có hiệu lực. Đây là quy định thuộc thỏa thuận xanh EU, cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng gồm cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao và đậu nếu quá trình sản xuất gây mất rừng.

Trong khi đó, thị trường Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản cùng một số thị trường khác cũng đặt ra các tiêu chuẩn cao về chất lượng gỗ, nguồn gốc xuất xứ. Doanh nghiệp vì thế phải lựa chọn gỗ có chứng chỉ thay vì gỗ không rõ nguồn gốc, để đảm bảo sự phát triển bền vững mới đưa được hàng hóa ra toàn cầu.

Vì sao mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp chưa cao?

Như vậy, việc xanh hóa sản phẩm chính là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Trong đó, yếu tố nguyên liệu đầu vào là quan trọng nhất. Để đáp ứng, các doanh nghiệp sản xuất gỗ trong nước đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp như thay đổi mẫu mã đa dạng, mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ. Đặc biệt là đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các địa phương có quy mô sản xuất gỗ lớn trong cả nước để hướng tới sản xuất xanh bền vững.

Doanh nghiệp ngành gỗ cần đẩy mạnh chuyển đổi số hướng tới xanh hóa sản xuất. Ảnh: Hữu Thọ
Doanh nghiệp ngành gỗ cần đẩy mạnh chuyển đổi số hướng tới mục tiêu xanh hóa sản xuất. Ảnh: Hữu Thọ

Ông Võ Quang Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ Đồng Nai, cho biết nhiều năm qua, doanh nghiệp gỗ trong hiệp hội đang nỗ lực để xây dựng vùng nguyên liệu gỗ hợp pháp ngay ở Việt Nam, với nguồn gỗ rừng trồng hiện tại chủ yếu là rừng tràm đang được người trồng hợp tác, nhất là khu vực Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán để xây dựng vùng nguyên liệu tiêu chuẩn cho sản xuất.

Thực tế cho thấy, ngoài yếu tố nguồn gốc gỗ, doanh nghiệp cũng cần hướng tới việc xanh hóa sản xuất bằng cách chuyển đổi công nghệ, giảm bớt tiêu hao năng lượng, giảm sử dụng nguồn nhân lực… Đây là điều không dễ dàng khi đa số công nghệ sản xuất của doanh nghiệp đã lạc hậu, chủ yếu gia công sản phẩm mà chưa có nhiều sự tự chủ trong thiết kế và xây dựng thương hiệu. Do đó, nhận thức và năng lực trong chuyển đổi số, sản xuất xanh còn là bài toán khó.

Theo nhận định của một phó giám đốc công ty về giải pháp công nghệ, hiện đang tư vấn cho nhiều đối tác ở Đồng Nai, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt còn thấp do nhiều nguyên nhân liên quan đến chi phí ban đầu lớn, năng lực công nghệ và đội ngũ nhân sự chưa đáp ứng được chuyển đổi, thiếu đối tác chuyên nghiệp, có năng lực tư vấn và giải pháp tốt, khâu quản trị sản xuất và quản lý nhân sự yếu kém…

Các hiệp hội gỗ trong nước hiện tại đã ký cam kết sử dụng nguồn gốc gỗ hợp pháp trong sản xuất, đồng thời thành lập Quỹ Vì một Việt Nam xanh để quảng bá, hỗ trợ hoạt động trồng rừng, bảo vệ môi trường. Gỗ xuất khẩu vì thế được cộng đồng doanh nghiệp cam kết là hợp pháp và không ảnh hưởng đến thiên nhiên do là gỗ trồng, gỗ có nguồn gốc nhập khẩu.