Các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo dự toán

Ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm, nhưng với việc điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, thận trọng, kịp thời ban hành và thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ Bộ Tài chính, nền kinh tế đất nước đã có những bước phục hồi mạnh mẽ, đời sống nhân dân ổn định.

Theo đó, để đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP), việc quản lý chi ngân sách nhà nước (NSNN) được Bộ Tài chính thực hiện chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngay từ dự toán đầu năm và trong quá trình điều hành, gắn với việc triển khai công tác sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công theo các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII). Các nhiệm vụ chi NSNN được thực hiện theo dự toán, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương

Đặc biệt, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tăng cường kiểm soát chi NSNN, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng NSNN, các chủ đầu tư tiếp cận được nhanh chóng nguồn vốn ngân sách. Đồng thời, KBNN đã chủ động quản lý, điều hành, sử dụng ngân quỹ nhà nước đảm bảo an toàn, hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi của ngân sách các cấp.

Riêng đối với lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi từ NSNN và nhằm xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, gây lãng phí NSNN, trong 11 tháng qua, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành trực thuộc đã thực hiện 70.295 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 780.957 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý tài chính trên 65.287 tỷ đồng; số tiền đã thu về cho NSNN trên 10.948 tỷ đồng.

Đẩy mạnh hiện đại hóa các nghiệp vụ giúp tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả

Theo ông Trần Huy Trường, không chỉ điều hành tài chính linh hoạt, Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành trực thuộc còn hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, cắt giảm những thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết để tiết kiệm chi phí cho NSNN.

Đơn cử như Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp 296/405 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt tỷ lệ trên 73%. Đồng thời đã thực hiện kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và hoàn thành cung cấp dữ liệu 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Bộ Tài chính phải báo cáo lên Chính phủ theo quy định; 5/9 chỉ tiêu hàng ngày quan trọng như: thu NSNN, chứng khoán, thuế, hải quan…

Ở lĩnh vực thuế, cơ quan thuế đã triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử và hóa đơn điện tử tại 63 cục thuế địa phương và 100% chi cục thuế trực thuộc. Đến nay đã có gần 100% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; gần 99% doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; 99% doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử và tổng số lượng hóa đơn điện tử mà cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 2.015 triệu hóa đơn.

Tiếp tục điều hành dự toán ngân sách chủ động, chặt chẽ

Để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) ngày càng đi vào thực chất, giúp tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước (NSNN), ngoài việc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về THTK, CLP, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành dự toán NSNN chủ động, chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách. Cải cách công tác kiểm soát chi NSNN theo hướng thống nhất quy trình, tập trung đầu mối kiểm soát và thanh toán các khoản chi NSNN. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm soát chi, quản lý thu NSNN. Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng NSNN, gắn với tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị sử dụng NSNN...

Đối với lĩnh vực hải quan, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thành triển khai các TTHC trên Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2022. Hiện nay đã có 13 bộ, ngành (trên 55 nghìn doanh nghiệp) tham gia kết nối với 249 TTHC được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia...

Tại cơ quan KBNN, hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã hoạt động ổn định, thông suốt, phục vụ 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của kho bạc, với số lượng giao dịch hồ sơ chứng từ chi NSNN phát sinh đạt 99% lượng chứng từ chi của toàn quốc trên TABMIS; 100% các TTHC được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hiện nay, đã có 90% đơn vị sử dụng ngân sách cài đặt ứng dụng cảnh báo rủi ro trên thiết bị di động để tra cứu kịp thời biến động số dư tài khoản và kết quả xử lý giao dịch hồ sơ chứng từ trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhằm phòng ngừa rủi ro và công khai minh bạch.