Xuất khẩu gạo kỳ vọng đạt kết quả ấn tượng trong năm 2023

Nhiều thách thức phải đối mặt ngay trong tháng đầu năm

Theo đánh giá của Bộ Công thương, tính đến giữa tháng 2/2023, Việt Nam xuất khẩu được 579.793 tấn gạo, trị giá 304,8 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu gạo giảm 10% về lượng và gần 3% về giá trị.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu mặt hàng chủ lực này đang gặp khó khăn thách thức. Về nguyên nhân giá gạo giảm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, do nhu cầu tiêu thụ trên thế giới giảm. Trong khi đó lượng tồn kho ở nhiều nước còn cao. Báo cáo tháng 1 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng dự báo, nhu cầu gạo năm nay chỉ đạt khoảng 54,4 triệu tấn, giảm 4% so với kỷ lục năm ngoái và lần đầu tiên giảm kể từ năm 2019.

Xuất khẩu gạo năm 2023: Dù khó khăn nhưng vẫn còn dư địa để mở rộng thị trường
Vẫn còn dư địa để khai thác thị trường mới. Ảnh: TL
Theo Bộ Công thương, không chỉ giảm về sản lượng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng quay đầu và thấp hơn so với hàng Thái Lan 50 USD/tấn. Theo đó, trong tháng đầu tiên của năm 2023, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã chạm mức cao nhất trong gần 2 năm nhờ đồng baht tăng giá và sức mua mạnh mẽ trên thị trường.

Đáng chú ý, Trung Quốc từng là thị trường nhập khẩu gạo số 1 của Việt Nam, nhưng nay thị phần giảm sút dù nhu cầu nhập khẩu của nước này vẫn lớn. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, năm 2023, do ảnh hưởng bởi hạn hán, sản lượng gạo sản xuất của Trung Quốc giảm hơn 3 triệu tấn so với năm 2022, còn khoảng 145,9 triệu tấn. Đây là cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, việc mở rộng xuất khẩu sang thị trường này, theo các doanh nghiệp (DN) trong ngành là không hề dễ, cũng như không mấy hấp dẫn.

Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang), lý giải sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc những năm qua là do chính sách kiểm soát nhập khẩu bằng thuế, hạn ngạch cũng như các yêu cầu đối với DN xuất khẩu nên thị trường này không còn "dễ ăn" như trước. Theo đó, mỗi năm, Trung Quốc sẽ phân bổ hạn ngạch nhập khẩu gạo từ Việt Nam và các nước. Do vậy, doanh nghiệp Trung Quốc không thể mua thêm gạo của Việt Nam khi hết hạn ngạch dù có nhu cầu. Về phía Việt Nam, hiện chỉ có 21 doanh nghiệp được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu nên bị giới hạn về số lượng.

Cần tận dụng tốt cơ hội tăng trưởng

Đề cập đến khả năng và cơ hội xuất khẩu gạo năm 2023, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, nhưng vẫn có nhiều tín hiệu tích cực cho xuất khẩu gạo trong năm 2023.

Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1/2023 vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước (đạt trên 129.323 tấn).

Xuất khẩu gạo năm 2023: Dù khó khăn nhưng vẫn còn dư địa để mở rộng thị trường
Thu mua gạo phục vụ xuất khẩu. Ảnh: TL

Những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Úc và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông sẽ tiếp tục tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu khi người tiêu dùng đang rất chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam. Trên cơ sở này, hoạt động xuất khẩu gạo năm 2023 của các doanh nghiệp trong nước sẽ diễn ra thuận lợi, doanh thu tăng khoảng 30% so với năm 2022.

Đối với thị trường Trung Quốc, sản phẩm gạo Việt Nam có nhiều thuận lợi khi Trung Quốc mở cửa giao thương bình thường trở lại kể từ ngày 8/1/2023.

Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương, cũng cho biết, việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực cho các DN xuất khẩu gạo. DN xuất khẩu gạo cần theo sát tín hiệu từ các thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, DN cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do.

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhận định nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, châu Phi... nhìn chung trong quý I và quý II/2023 sẽ ổn định do các nước đang tăng cường dự trữ lương thực cũng như chuẩn bị cho thời điểm năm mới. Đây là cơ hội tốt cho hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam.

Tận dụng ưu đãi xuất khẩu gạo sang thị trường EU

Với thị trường EU, ông Nguyễn Văn Nhật - Tổng giám đốc Công ty Hoàng Minh Nhật cho biết, theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 gạo thơm, 20.000 tấn gạo lứt. Do đó, các đơn hàng gạo xuất khẩu nếu nằm trong danh mục trên thì được miễn thuế 175 ER/tấn. Đây là lợi thế rất lớn cho DN nhập khẩu. Do đó, các DN nên tìm cách gia tăng sản lượng chủng loại gạo để tận dụng tối đa lợi thế.