Dự báo giá xuất khẩu gạo Việt sớm khởi sắc trở lại
Nguồn: Cục Hải quan. Đồ họa: Phương Anh

Nhu cầu gạo từ các đối tác lớn của Việt Nam vẫn rất cao

Theo Cục Hải quan, tính chung quý I/2025, xuất khẩu gạo của cả nước đạt gần 2,31 triệu tấn, tương đương gần 1,21 tỷ USD, giá trung bình 522 USD/tấn, tăng 5,82% về lượng, nhưng giảm 15,5% về kim ngạch và giảm 20,18% về giá so với quý I/2024.

Trong đó, thị trường Philippines đứng đầu, chiếm 42,7% trong tổng lượng và chiếm 40,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt 985.941 tấn, tương đương gần 488,77 triệu USD, giá 495,74 USD/tấn.

Bờ Biển Ngà là thị trường xuất khẩu gạo đứng thứ 2, đạt 293.296 tấn, tương đương 143,49 triệu USD, giá 489,25 USD/tấn, chiếm 12,7% trong tổng lượng và chiếm 11,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Trung Quốc là thị trường đứng thứ 3 với 232.136 tấn, tương đương 115,69 triệu USD, giá trung bình 498,35 USD/tấn, chiếm 10,1% trong tổng lượng và chiếm 9,6% trong tổng kim ngạch.

Trên thực tế, nhu cầu gạo từ các đối tác lớn của Việt Nam vẫn rất cao, trong đó, Philippines là nước nhập khẩu gạo lớn nhất và chủ yếu từ Việt Nam, luôn chiếm thị phần khoảng 85%. Năm 2025, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines vẫn ở mức cao, dự báo vào khoảng 4,9 triệu tấn.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, dù vụ Đông - Xuân sắp thu hoạch xong, nhưng nguồn cung gạo của ta không bị dư thừa. Giá gạo giảm trước đó phần nhiều là do tình trạng tranh bán nên các khách hàng vin vào đó để làm giảm thêm giá gạo Việt. Sau khi có chỉ đạo từ Chính phủ tình trạng giảm giá gạo đã được chặn lại và giá liên tục nhích lên từ giữa tháng 3/2025.

Ngoài Philippines, các quốc gia châu Phi cũng đang có nhiều kỳ vọng sẽ trở thành những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm nay. Đáng chú ý trong số này có nhiều khách hàng truyền thống của Việt Nam, như: Bờ Biển Ngà, Ghana, Nigeria. Các thị trường này đã nhập khẩu đến hàng triệu tấn gạo Việt trong năm 2024 và sẽ tiếp tục nhập lượng lớn trong năm nay.

Còn Báo cáo phân tích thị trường tháng 4/2025 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nhận định, các nước châu Phi sẽ trở thành những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm 2025. Cụ thể, Ghana là quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất châu Phi, dự báo sẽ nhập khẩu 2,5 triệu tấn gạo trong năm 2025. Bờ Biển Ngà là quốc gia nhập khẩu gạo nhiều thứ 2 ở châu Phi, dự báo năm 2025 sẽ nhập khẩu 1,8 triệu tấn gạo.

Giá gạo xuất khẩu hồi phục

Theo VFA, từ đầu tháng 4/2025 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang hồi phục. So sánh trong các nước xuất khẩu gạo hàng đầu, hiện giá gạo tẻ thường tiêu chuẩn 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang ở vị trí dẫn đầu, với 396 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo tẻ thường 5% tấm của Thái Lan là 395 USD/tấn, Pakistan là 387 USD/tấn và Ấn Độ là 376 USD/tấn.

Đồng thời, giá các loại gạo đặc sản xuất khẩu của Việt Nam hiện cũng vượt xa giá gạo đặc sản của Thái Lại và Ấn Độ. Trong đó, giá gạo ST25 xuất khẩu lên đến 1.200 USD/tấn, nguyên nhân do vụ Đông Xuân vừa qua sản lượng lúa ST25 ít, nhu cầu nội địa với mặt hàng này rất cao. Trong khi giá xuất khẩu các loại gạo thơm cao cấp nhất của Thái Lan thời điểm hiện tại như gạo Thơm Lài giá cao nhất chỉ đạt 1.050 USD/tấn; gạo Hom Mali cao nhất chỉ đạt 1.100 USD/tấn. Giá gạo Basmati xuất khẩu của Ấn Độ hiện chỉ khoảng 900 USD/tấn.

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch VFA cho biết, mặc dù giá gạo tẻ 5% tấm tiêu chuẩn của Việt Nam trong quý I/2025 xuống dưới 400 USD/tấn, giá gạo 25% tấm còn thấp hơn, nhưng giá gạo xuất khẩu bình quân vẫn đạt 522 USD/tấn, là nhờ gạo thơm, gạo đặc sản đã chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu.

Hiện gạo Việt Nam đang ở phân khúc trung bình cao và hướng đến phân khúc cao hơn kèm theo giá trị và thương hiệu. Ở phân khúc này, nhu cầu đang rất cao, đặc biệt là Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Đơn cử, cơn sốt giá gạo chưa từng có ở Nhật Bản kéo dài từ cuối năm ngoái đến nay và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

“Tuy nhiên, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ mới chỉ đạt 30.000 tấn/năm và vào thị trường Nhật Bản còn ít hơn rất nhiều. Đây là dư địa rất lớn cho Việt Nam mở rộng sản xuất và xuất khẩu các loại gạo đặc sản, gạo thơm" - ông Nam cho hay.

Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, hiện gạo xuất khẩu của Việt Nam ở phân khúc chất lượng cao, nên mức độ ảnh hưởng về giá do gạo của Ấn Độ quay trở lại thị trường, chủ yếu là chất lượng thấp, chỉ là tạm thời.

Mặt khác, nguồn cung nội địa hạn chế khiến Việt Nam không rơi vào tình trạng bán tháo, giảm áp lực giá trong ngắn hạn. Hơn nữa, theo dự báo, trong năm 2025, nhiều thị trường tăng sản lượng nhập khẩu, đây là yếu tố hỗ trợ giá gạo Việt Nam phục hồi trong quý II/2025.

Đến năm 2025, tỷ trọng gạo thơm, gạo đặc sản sẽ tăng lên khoảng 40%

Theo Chủ tịch VFA, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình sẽ giảm xuống không quá 15%, trong khi tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản sẽ tăng lên khoảng 40%. Đến năm 2030, với tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không quá 10% và tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản khoảng 45%.