Yên tâm hơn, nhưng chưa thể chủ quan với lạm phát

Mục tiêu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay chỉ khoảng 4%, sau 8 năm tăng dưới mức này - vừa thể hiện thành công trong một thời gian dài so với các thời kỳ trước, vừa là quyết tâm rất cao khi có nhiều dự báo CPI của Việt Nam sẽ tăng cao hơn, do áp lực lạm phát của nhiều nước trên thế giới.

Diễn biến đến 8 tháng cho thấy, CPI bình quân so với cùng kỳ năm trước mới tăng 2,58%, còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu. Trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng chủ yếu, chỉ có 1 nhóm là giao thông đã tăng cao hơn mục tiêu cả năm, nhưng từ 2 tháng nay đã giảm sâu sau những biện pháp giảm giá xăng dầu. Lạm phát cơ bản còn thấp nhiều hơn so với CPI chung. Nhiều dự báo CPI bình quân cả năm sẽ thấp hơn 4%, thực hiện được việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và sẽ là năm thứ 9 thực hiện được mục tiêu này.

CPI 8 tháng tăng thấp do nhiều yếu tố. Có yếu tố do tổng cung tăng cao; tích lũy tài sản - tiền đề của đầu tư và đầu tư tăng, nhưng tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP còn thấp; tiêu dùng cuối cùng thể hiện ở thương mại bán lẻ tăng khá cao (8 tháng nếu loại yếu tố giá tăng 15,1%), nhưng có một phần do gốc so sánh thấp (cùng kỳ giảm 5,1%); tâm lý tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng, tăng tỷ trọng tự cấp tự túc của tiêu dùng cuối cùng vẫn còn lớn,… Tổng cung tăng cao, tổng cầu tăng thấp và còn yếu sẽ không gây áp lực lớn đối với CPI.

Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Một yếu tố trực tiếp của lạm phát là tài khóa và tiền tệ có những diễn biến đáng lưu ý. Diễn biến nổi bật hiếm thấy về tài khóa là bội thu ngân sách 8 tháng khá lớn, khi so với dự toán năm của tổng thu cao hơn của tổng chi; tỷ giá VND/USD cơ bản ổn định, góp phần hạn chế tác động tiêu cực của “nhập khẩu lạm phát”; tăng trưởng tín dụng theo định hướng cả năm cao hơn không nhiều so với 2 năm trước, trong khi tăng trưởng GDP cao gấp đôi, gấp ba tốc độ của 2 năm trước,…

Mặc dù 8 tháng tăng còn thấp, nhưng chưa thể chủ quan thỏa mãn, bởi có một số yếu tố gây sức ép đối với lạm phát ở trong nước. Tổng cầu tiếp tục có dấu hiệu phục hồi và tăng lên. Tổng thu ngân sách tăng chậm lại từ cả 3 nguồn (thu nội địa, thu từ dầu thô, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu). Chi vốn đầu tư từ nguồn ngân sách thực hiện được đẩy nhanh hơn. Chi cấp bù lãi suất được đẩy mạnh để hoàn thành mục tiêu của năm 2022 dồn vào cuối năm để kéo 800 nghìn tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng ra lưu thông.

Ngoài ra, còn có sự chuyển động của dòng tiền từ các thị trường vàng, bất động sản, chứng khoán, tiền ảo,… sang thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, tạo sức ép lên CPI. Tỷ giá VND/USD tháng 8 so với cùng kỳ đã tăng 2,41%, so với tháng 12/2021 tăng 2,32%; đang có xu hướng tăng cao hơn do sức ép tăng giá USD trên thế giới và xuất siêu với Mỹ sau 8 tháng đã vượt qua mốc 67 tỷ USD, dự đoán cả năm sẽ cán mốc 100 tỷ USD - cao nhất từ trước tới nay, vượt xa so với những năm trước.

Ưu tiên hơn cho tăng trưởng

Ưu tiên hơn cho tăng trưởng xuất phát từ nhiều căn cứ. Căn cứ quan trọng như đã đề cập ở trên xuất phát từ khả năng lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu. Mặc dù còn có những yếu tố tác động đến lạm phát, nhưng nhiều dự báo cho rằng CPI bình quân năm 2022 so với 2021 sẽ thấp hơn mục tiêu (dưới 4%).

Ưu tiên cho tăng trưởng ở cả đầu vào ở cả đầu ra

Ở đầu vào, quyết liệt thực hiện nhanh đầu tư công, không thể để tiền thừa, thực hiện đầu tư lại thấp. Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để thực hiện nhanh gói hỗ trợ lãi suất, nhanh chóng đưa lượng tín dụng tương ứng (800 nghìn tỷ đồng) vào ngay trong năm nay. Các địa phương, các đơn vị cần coi đây là thời cơ vì đã có cơ sở pháp lý, có đủ nguồn tiền. Ở đầu vào còn có vấn đề về lao động, thu nhập cho người lao động hiện vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết.

Ở đầu ra, cần nghiên cứu, rà soát để tăng thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán cho lao động, cho người tiêu dùng để tăng tổng cầu; kiểm soát giá cả để tăng lượng tiêu dùng, tăng mức sống thực tế; nghiên cứu giảm một số loại thuế với xăng dầu,…

Một căn cứ quan trọng xuất phát từ yêu cầu của bản thân tăng trưởng. Yêu cầu đầu tiên là phải đáp ứng mục tiêu tăng trưởng bình quân năm của kế hoạch 2021 - 2025. Để tăng trưởng 6,5 - 7%/năm, thì năm 2025 so với năm 2020 phải tăng 37 - 40,3%. Năm 2021 mới tăng 2,56%, năm 2022 nếu đạt được mục tiêu tăng 6 - 6,5%, thì năm 2022 so với năm 2020 mới đạt 8,71 - 9,22%. Điều đó có nghĩa là 3 năm còn lại (2023, 2024, 2025) phải tăng 26,02 - 28,46%, hay bình quân 1 năm phải tăng 8,01 - 11,95%. Đó là tốc độ tăng bình quân rất cao, rất ít năm trong mấy chục năm qua đạt được. Do vậy, năm 2022 phải tăng cao hơn mục tiêu (nhiều người dự báo 7%, có người dự báo 7,5%).

Một căn cứ quan trọng khác xuất phát từ vai trò của tăng trưởng đối với các cân đối kinh tế vĩ mô khác (như cán cân thương mại, cán cân thanh toán tổng hợp, dữ trữ ngoại hối, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài/GDP, thu, chi ngân sách, tiền tệ - tín dụng,…) và đối với phát triển và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường.