Giữ lạm phát thấp hơn mục tiêu

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, công tác chỉ đạo điều hành giá gặp rất nhiều áp lực. Tình hình thế giới biến động, gây áp lực lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Quý I/2024, xu hướng thị trường diễn biến theo quy luật, không có bất thường. Qua theo dõi của các bộ, ngành, bình quân quý I năm 2024 so cùng kỳ năm trước CPI tăng 3,77%, lạm phát cơ bản tăng 2,81%. Tuy nhiên, tháng 4 áp lực lạm phát tăng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Dự báo tốt để kiểm soát lạm phát đúng mục tiêu đề ra
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Ảnh: Đức Minh

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong quý I/2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược; chú trọng, tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp lễ tết; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường.

“Cùng với đó, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

“Công tác điều hành giá phải nắm bắt nhanh”, do đó Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phải dự báo chi tiết, cụ thể các mặt hàng, lĩnh vực có tác động tới lạm phát, để có kịch bản điều hành phù hợp.

Với kịch bản CPI ở mức cao, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đề nghị các bộ, ngành phải “đánh giá lại”, “bởi những năm qua chúng ta điều hành CPI đều thấp hơn mục tiêu đề ra, thì năm nay không thể có phương án CPI tăng 4,8%”.

Điều hành thận trọng giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá

Phó Thủ tướng lưu ý cần điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp hài hòa, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đồng thời, chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để triển khai, hướng dẫn Luật Giá năm 2023 đảm bảo thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong triển khai thực hiện nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá, tránh khoảng trống pháp lý sau khi Luật được ban hành.

Chủ động các kịch bản ứng phó với biến động tăng giá
Chủ động các kịch bản ứng phó với biến động tăng giá.

Liên quan đến giá vàng, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các công điện, văn bản, có giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước mắt xử lý đảm bảo cung cầu giá hợp lý. Về lâu dài có cơ chế phù hợp, vừa đáp ứng ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đáp ứng yêu cầu của người dân.

Cũng theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới lạm phát, như: giá năng lượng và các vật tư chiến lược dự báo vẫn biến động phức tạp do chịu ảnh hưởng từ tình hình thế giới, áp lực từ việc thực hiện lộ trình thị trường đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua; tỷ giá giữa Đồng Việt Nam và Đô la Mỹ tăng cao làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.

Ngoài ra, giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá bằng đường biển và phụ thu đối với hàng hóa container tại cảng biển đang tăng mạnh gây áp lực đến chi phí của doanh nghiệp... đặt ra những thách thức trong công tác quản lý điều hành giá từ nay đến cuối năm, đòi hỏi các bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước cần tích cực đánh giá, nắm bắt tình hình, chuẩn bị các phương án, kịch bản dự báo để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.

Thời gian tới, tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, do đó, cần chủ động tính toán, chuẩn bị sẵn sàng các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng để kịp thời điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Đối với các mặt hàng cụ thể, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động dự báo và có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là trong các thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải…, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến./.

Công khai, minh bạch trong truyền thông, tránh lạm phát kỳ vọng

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý tầm quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền, tránh lạm phát kỳ vọng. Theo đó, các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá.

Trong đó, đặc biệt lưu ý công tác thông tin, tuyên truyền diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp nhất những thời điểm trùng với các kỳ nghỉ lễ trong năm./.