CPI tháng 4 tăng do tác động của giá xăng dầu

So với tháng 12/2023 CPI tháng 4 tăng 1,19% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,4%. Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức tăng 0,07% của CPI tháng 4/2024 so với tháng trước, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Kiểm soát chặt giá lương thực, xăng dầu để giữ lạm phát thấp
Đầu năm thời tiết ổn định nên giá rau củ không biến động.

8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm giao thông tăng cao nhất với 1,95% (làm CPI chung tăng 0,19 điểm phần trăm). Nhóm này có mức tăng cao chủ yếu do giá xăng trong nước tăng 4,78%; giá dầu diezen tăng 2,01% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao thứ 2, tăng 0,92% do thời tiết giao mùa, các loại vi rút gây bệnh sinh sôi, số ca viêm phổi, thủy đậu, tay chân miệng tăng nhanh nên người dân có nhu cầu mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng so với tháng trước:

Tháng 1 năm 2024 tăng 0,31%, tháng 2 năm 2024 tăng 1,04%; tháng 3 năm 2024 giảm 0,23%.

Bình quân quý I năm 2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,27% chủ yếu do tăng giá các mặt hàng đồ dùng cá nhân (tăng 0,6%). Trong đó, giá đồ trang sức tăng 5,4% theo giá vàng trong nước; dịch vụ sửa chữa đồng hồ đeo tay, đồ trang sức tăng 0,42%; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 0,52%; dịch vụ hiếu hỉ tăng 0,12%...

Tháng 4, trong 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, nhóm giáo dục giảm tới 2,93% so với tháng trước, góp phần giảm CPI chung giảm 0,18 điểm phần trăm, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 3,32%.

Nguyên nhân chủ yếu do ngày 31/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ, trong đó yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023-2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm mon, giáo dục phổ thông công lập, theo đó một số trường học đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Lạm phát cơ bản tháng 4/2024 tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 2,79% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,93%), chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu và giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Nhiều biến số khó lường gây áp lực lên lạm phát

Theo nhận định của Bộ Tài chính - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, từ đầu năm đến nay, thị trường hàng hóa tương đối ổn định.

Một số mặt hàng thiết yếu có biến động về giá như giá thóc gạo tại miền Nam có xu hướng tăng; giá thịt lợn hơi tăng nhẹ do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; giá LPG giảm, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới. Tuy nhiên, công tác điều hành giá quý I/2024 được điều hành chủ động, linh hoạt, nhịp nhàng, chỉ số giá tiêu dùng nằm trong kịch bản điều hành.

Kiểm soát chặt giá lương thực, xăng dầu để giữ lạm phát thấp
Giá xăng dầu tăng sẽ gây áp lực lớn lên lạm phát.

Theo Bộ Tài chính, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm 2024 được dự báo, như: Giá các nhóm mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, như giá xăng dầu dự báo tiếp tục diễn biến khó lường. Giá dầu Brent trung bình 6 tháng cuối năm trong khoảng 80-90 USD/thùng.

Ngoài ra, giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao trong khi tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, tỷ giá giữa Đồng Việt Nam và Đô la Mỹ tăng cao làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.

Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực - Thành viên hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia dự báo, năm 2024 lạm phát sẽ cao hơn năm 2023. Nếu lạm phát năm trước đạt 3,25%, năm nay dự kiến mức độ lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức khoảng 3,5-4%. Tuy nhiên, đây không phải là tín hiệu đáng lo khi lạm phát mặc dù tăng nhưng vẫn ở trong tầm kiểm soát dưới 4%.

Theo TS. Cấn Văn Lực, lý do chính dẫn đến dự báo lạm phát năm nay lạm phát tăng dưới 4%, do nền kinh tế phục hồi tốt hơn dẫn đến vòng quay tiền nhanh hơn, lương tăng và một số giá mặt hàng như điện, học phí, viện phí tăng để giảm bớt khó khăn cho các ngành giáo dục, y tế.

“Lạm phát năm nay sẽ cao hơn, phải cho tăng nếu không giáo dục, đào tạo, y tế sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, năm nay sẽ được kiểm soát vì năm nay giá lương thực thực phẩm toàn cầu về mức rất thấp, nên chúng ta yên tâm là lạm phát có tăng nhưng trong tầm kiểm soát dưới 4%” - vị chuyên gia này nhận định.

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, để điều hành điều hành tiền tệ, kiểm soát lạm phát ở mức thấp, nhà nước đã làm chủ được hai lĩnh vực lương thực thực phẩm (85%) và xăng đầu (75%). Những năm qua, lương thực thực phẩm và xăng dầu là hai mặt hàng chiếm 70% lạm phát của nước ta. Bởi vậy, nhà nước cần tiếp tục kiểm soát tốt 2 mặt hàng này.

Bộ Tài chính dự báo 3 kịch bản điều hành giá từ nay đến cuối năm. Ở kịch bản thấp, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 3,64% so với năm 2023. Kịch bản thứ hai, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 4,05% so với năm 2023. Ở kịch bản dự báo mức cao nhất, CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 4,5% so với năm 2023.

Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính cập nhật kịch bản CPI bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,64 - 4,5%.

Giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 9 tháng còn lại của năm 2024, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng khoảng 0,26% - 0,39% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4,0% - 4,5%.

Bình quân 4 tháng đầu năm giá vàng tăng 20,75%

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/4/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.322,36 USD/ounce, tăng 8,54% so với tháng 3/2024 do căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn.

Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 4/2024 tăng 6,95% so với tháng trước; tăng 17,01% so với tháng 12/2023; tăng 28,62% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 4 tháng đầu năm 2024 tăng 20,75%.