![]() |
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh |
Cắt giảm mạnh đầu mối, tổ chức lại để tinh gọn hơn
Trước đây, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) hoạt động theo mô hình 3 cấp: trung ương, tỉnh và huyện. Việc tổ chức lại theo mô hình 2 cấp, chỉ còn KBNN trung ương và KBNN khu vực đã đánh dấu bước cải cách lớn, hướng đến giảm cấp trung gian, loại bỏ sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Để làm được điều này, KBNN đã cắt giảm tới 465 đầu mối trong toàn hệ thống, từ 1.047 đơn vị trước đây xuống còn 582.
Hiện tại, KBNN trung ương chỉ còn 10 ban chuyên môn gồm: Ban Chính sách - Pháp chế, Kế toán Nhà nước, Quản lý ngân quỹ, Tổ chức cán bộ, Tài vụ - Quản trị, Quản lý hệ thống thanh toán, Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số, Giao dịch, Thanh tra và Văn phòng. Ở địa phương, 20 KBNN khu vực được tổ chức với cơ cấu trung bình khoảng 10 phòng tham mưu cùng một số phòng giao dịch, nhưng tổng số phòng giao dịch không vượt quá 350 đơn vị trên toàn quốc.
Dù quy mô thu hẹp, nhưng từ sau ngày 15/3/2025, bộ máy mới đã đi vào hoạt động ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, điều hành ngân quỹ theo hướng tập trung, chuyên nghiệp, đồng thời tăng cường vai trò tự chủ, trách nhiệm của các KBNN khu vực.
Đảm bảo Kho bạc Nhà nước sau sắp xếp hoạt động càng hiệu quả hơn Mục tiêu cuối cùng của quá trình tinh gọn bộ máy không chỉ là giảm đầu mối, cắt giảm biên chế, mà còn hướng đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Kho bạc Nhà nước (KBNN). Theo đó, KBNN quyết tâm thực hiện nhiệm vụ này với tinh thần và trách nhiệm cao nhất để hệ thống KBNN sau khi sắp xếp sẽ hoạt động ngày càng tốt hơn, xứng đáng với vai trò là công cụ điều hành hiệu quả của Chính phủ trong quản lý tài chính - ngân sách, góp phần xây dựng nền tài chính công minh bạch, bền vững và hiện đại. |
Điều đáng ghi nhận là dù tinh giản mạnh mẽ, KBNN vẫn duy trì tốt nhiệm vụ thu - chi ngân sách, không để dòng chảy tài chính bị gián đoạn. Tại những địa phương không còn đơn vị KBNN trực thuộc, các KBNN khu vực đã chủ động kết nối, phối hợp với các cơ quan tài chính địa phương, đảm bảo mọi hoạt động điều hành ngân sách diễn ra suôn sẻ, hiệu quả.
KBNN khu vực còn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình nghiệp vụ để phục vụ các tổ chức, cá nhân giao dịch một cách thuận tiện, nhanh chóng. Nhờ vậy, hoạt động thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN) được đảm bảo thông suốt trong suốt quý I/2025. Cũng trong quý này, các KBNN khu vực đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn để tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu ngân sách các cấp. Đồng thời, thông tin số liệu thu ngân sách cũng được cập nhật thường xuyên, giúp các cấp điều hành ngân sách hiệu quả hơn.
Đặc biệt, KBNN đã mở rộng phối hợp thu và thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại. Đến nay, KBNN đã ký thỏa thuận với 21 ngân hàng và kết nối thanh toán với 20 trong số đó, tiếp tục mở rộng trong thời gian tới. Tính đến cuối tháng 3/2025, toàn hệ thống có 1.739 tài khoản chuyên thu, 669 tài khoản thanh toán bằng VND và 108 tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ. Tổng thu NSNN trong cân đối đạt 705.608 tỷ đồng, bằng 35,88% dự toán năm 2025.
Tiến tới hành trình kho bạc số
![]() |
Về chi NSNN, KBNN đã đảm bảo thanh toán, chi trả đúng tiến độ và quy định. Các số liệu chi tiêu được cập nhật liên tục cho Bộ Tài chính và các cấp chính quyền, phục vụ kịp thời công tác quản lý ngân sách.
Ngoài ra, KBNN còn tích cực phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời kiểm soát nghiêm các khoản chi thường xuyên để đảm bảo tính hiệu quả và minh bạch trong chi tiêu công.
Tính đến hết tháng 3/2025, tổng thanh toán vốn chi thường xuyên đạt khoảng 301.127 tỷ đồng (tương đương 19,3% dự toán chi thường xuyên cả năm). Trong khi đó, vốn đầu tư công được thanh toán qua hệ thống KBNN đạt 67.367,6 tỷ đồng, chiếm 8,1% so với kế hoạch Thủ tướng giao và 7,6% theo kế hoạch do UBND tỉnh giao.
Bên cạnh đó, việc điều hành ngân quỹ nhà nước cũng được thực hiện thống nhất, minh bạch trên toàn hệ thống, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi tiêu của NSNN và các đơn vị giao dịch bằng cả nội tệ và ngoại tệ.
Chứng kiến những gì đã và đang diễn ra, càng tin tưởng vào định hướng cải cách tổ chức và hiện đại hóa toàn diện mà KBNN đã và đang theo đuổi. Việc vừa tinh gọn bộ máy, vừa đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ thu - chi ngân sách không chỉ thể hiện năng lực quản trị mạnh mẽ mà còn chứng minh khả năng thích ứng linh hoạt của toàn hệ thống KBNN.
Mô hình 2 cấp đang mở ra cơ hội để KBNN tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, tiến từng bước vững chắc trên con đường hướng tới hình mẫu kho bạc số hiện đại, hiệu quả và luôn sát cánh cùng sự phát triển của nền tài chính quốc gia.
Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính Kho bạc Nhà nước (KBNN) sẽ tiếp tục bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và trên cơ sở kết quả từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, để xác định 2 nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác. Cụ thể, KBNN tiếp tục hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các hoạt động nghiệp vụ và quản trị hệ thống, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, với mục tiêu là đến năm 2030 hình thành kho bạc số. Đồng thời, KBNN tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng đẩy mạnh công khai, minh bạch và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. |