![]() |
Trụ sở liên cơ quan số 3 tỉnh Quảng Ninh nơi làm việc của 17 sở, ngành cấp tỉnh, giúp tiết kiệm nguồn lực nhà nước. Ảnh: TTXVN |
Lãng phí - vấn đề cũ nhưng chưa bao giờ cũ
Lãng phí không còn là vấn đề mới và đã được đề cập trong nhiều nghị quyết, văn kiện, báo cáo của Chính phủ. Cùng với đó, nhiều giải pháp để tránh tình trạng này cũng đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, lãng phí vẫn chưa có dấu hiệu giảm sút một cách rõ rệt. Từ những dự án đầu tư công kéo dài, đội vốn, đến hàng loạt công trình xây dựng dở dang hoặc sử dụng kém hiệu quả; lãng phí trong quản lý điều hành tại nhiều cơ quan, đơn vị… Tất cả đều khiến nền kinh tế phải gánh chịu những thiệt hại không nhỏ.
Năm 2024 đã tiết kiệm 64.014 tỷ đồng kinh phí, vốn nhà nước Thông tin về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 trên một số lĩnh vực, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, năm 2024, thu ngân sách nhà nước thực hiện đạt 2,043 triệu tỷ đồng, tăng 342,7 nghìn tỷ đồng, tương đương vượt trên 20% so dự toán và báo cáo Quốc hội. Chi ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt 1,83 triệu tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán. Công tác điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2024 được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, đảm bảo triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2024 theo báo cáo của bộ, ngành, địa phương là 64.014 tỷ đồng. |
Tháng 10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết “Chống lãng phí”. Ngoài việc chỉ ra thực trạng lãng phí, Tổng Bí thư đã đưa ra 4 giải pháp trọng tâm để phòng, chống lãng phí. Bài viết đã trở thành lời “hiệu triệu” để toàn Đảng, toàn dân cùng tham gia vào công cuộc chống lãng phí.
TS. Lê Văn Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Ban Nội chính Trung ương có nhận định, bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư đã “sốc” lại nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tác hại của lãng phí cũng như sự cần thiết phải chống lãng phí, nhất là trong giai đoạn đất nước đang dốc sức, dồn lực thực hiện các mục tiêu lớn.
Minh chứng rõ nét nhất là việc các bộ, ngành, địa phương đang khẩn trương rà soát lại tài sản công, đặc biệt là các trụ sở, nhà, đất không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả, sai mục đích; các công trình đầu tư công đang xây dựng dở dang nằm “đắp chiếu”… và đề xuất phương án xử lý đối với từng trường hợp cụ thể. Mục tiêu là tận dụng tối đa các tài sản này, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế bền vững.
Bộ Tài chính - cơ quan quản lý tài sản công của cả nước đã kịp thời đề xuất với Chính phủ để có những hướng dẫn trong sắp xếp lại, xử lý tài sản này trong suốt thời gian qua. Theo đó, hàng nghìn cơ sở nhà, đất công đã được phê duyệt phương án xử lý bằng cách tái sử dụng lại cho các cơ quan, đơn vị có nhu cầu hoặc bán đấu giá theo quy định… đã mang về cho ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng.
Sáp nhập, tinh gọn bộ máy - Giải pháp cần thiết cho chống lãng phí
![]() |
Chống lãng phí giúp mở rộng không gian tài chính, tăng nguồn lực cho phát triển |
Trong bức tranh tổng thể về phòng, chống lãng phí, việc tinh gọn bộ máy hành chính được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm, mang tính nền tảng. Bởi lẽ, một bộ máy cồng kềnh không chỉ kéo theo tình trạng chồng chéo chức năng, kém hiệu quả trong quản lý, mà còn tiêu tốn một lượng ngân sách đáng kể để duy trì biên chế, cơ sở vật chất và chi phí vận hành, trong khi, các lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục, hạ tầng cần ưu tiên đầu tư lại bị hạn chế.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tinh gọn bộ máy, nhiều địa phương đã tiến hành sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm đầu mối cơ quan chuyên môn, hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND - UBND cấp huyện… Những bước đi này đã giúp tiết kiệm chi phí vận hành, cắt giảm biên chế hành chính, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức thông qua việc bố trí, sắp xếp lại một cách hợp lý.
Trong bối cảnh đất nước đang hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, một bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả không chỉ góp phần chống lãng phí, mà còn là nền tảng để xây dựng nền hành chính phục vụ, kiến tạo, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Do đó, việc tinh gọn bộ máy, sáp nhập các đơn vị hành chính tiếp tục là yêu cầu được Đảng và Nhà nước đặt ra.
Thực hiện yêu cầu này, các bộ, ngành, địa phương đã và đang khẩn trương rà soát tổ chức bộ máy, mạnh dạn sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị hành chính. Điển hình như TP. Hồ Chí Minh đã hợp nhất nhiều sở, ngành có chức năng tương đồng; Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng… cũng đang tích cực triển khai mô hình chính quyền đô thị và cơ cấu lại các phòng, ban, đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Có thể thấy, các giải pháp chống lãng phí mà Đảng, Nhà nước đang triển khai, từ tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại tổ chức, xử lý dứt điểm các tài sản công kém hiệu quả, đến siết chặt kỷ cương trong quản lý ngân sách đều đang phát huy tác dụng rõ rệt. Những kết quả đạt được sẽ không chỉ góp phần giảm gánh nặng ngân sách, mà quan trọng hơn, đang từng bước giải phóng và tái phân bổ các nguồn lực cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Chống lãng phí, tinh gọn bộ máy không phải là những giải pháp tình thế, mà là bước đi chiến lược trong công cuộc xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Khi bộ máy được vận hành gọn nhẹ, khoa học, tài sản công được quản lý minh bạch, tiết kiệm, thì mỗi đồng ngân sách sẽ được sử dụng đúng chỗ, đúng lúc và đem lại giá trị cao nhất cho người dân, cho đất nước.
“Chìa khóa” nào mở ra cánh cửa đột phá trong chống lãng phí? Tình trạng lãng phí năm nào cũng được Quốc hội đưa ra bàn thảo và tìm giải pháp để khắc phục, nhưng kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng, nguyên nhân được chỉ ra là do chúng ta đang còn yếu ở khâu thực hiện. Do đó, theo PGS. TS. Lê Văn Cường - Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, giải pháp chống lãng phí đã được Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra, việc cần làm bây giờ là phải làm sao thực hiện cho tốt. Ông Cường đã đưa ra dẫn chứng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã đạt được kết quả cao là vì nhận được 93% người dân đồng tình và ủng hộ, bên cạnh đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Vì thế, để cuộc đấu tranh chống lãng phí đạt hiệu quả cao nhất cũng cần phải làm tốt như cuộc đấu tranh chống tham nhũng và còn hơn thế nữa. “Để làm tốt khâu thực hiện thì không có biện pháp nào tốt hơn là biến việc chống lãng phí thành nhận thức và ý thức, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên và người dân” - PGS.TS. Lê Văn Cường nhấn mạnh. Đồng thời, theo ông Cường, lãng phí không chỉ xuất hiện tại các cơ quan, đơn vị mà nó còn xuất hiện xung quanh cuộc sống hàng ngày. Do đó, rất cần phát huy vai trò của nhân dân trong việc giám sát các hoạt động về chống lãng phí hàng ngày, hàng giờ. Đặc biệt là rất cần sự quyết tâm chính trị và nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị - đây chính là “chìa khóa” mở ra cánh cửa đột phá trong chống lãng phí hiện nay. |