26 nền kinh tế nghèo nhất thế giới “oằn mình” với gánh nợ kỷ lục
Hiện nay, gần một nửa trong số 26 nền kinh tế nghèo nhất đang rơi vào tình trạng căng thẳng nợ. Ảnh tư liệu

WB cho hay khoản viện trợ quốc tế mà các nước nghèo nhất nhận được đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ. Nhà kinh tế Ayhan Kose của WB cho biết, các nền kinh tế thu nhập thấp cần tự cải thiện tình hình tài chính, nhưng đồng thời cũng cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ nước ngoài.

Báo cáo của WB khuyến nghị rằng các nền kinh tế nghèo cần làm nhiều hơn để tự giúp mình, thông qua nâng cao hiệu quả chi tiêu công và gia tăng nguồn thu thuế.

Các nền kinh tế thu nhập thấp đã vay nợ rất nhiều trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát, khiến thâm hụt ngân sách chính tăng gấp ba lần. WB nhấn mạnh nhiều quốc gia không thể giảm mức thâm thủng này.

Hiện nay, gần một nửa trong số 26 nền kinh tế nghèo nhất đang rơi vào tình trạng căng thẳng nợ hoặc có nguy cơ cao rơi vào tình trạng này, gấp đôi so với năm 2015.

Báo cáo cho biết, Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), một tổ chức của WB chuyên tài trợ cho các nước nghèo nhất, đã cung cấp gần một nửa viện trợ phát triển mà các nước nghèo nhất nhận được từ các tổ chức đa phương trong năm 2022.

Nhà kinh tế Indermit Gill của WB nhận định IDA đã trở thành cứu cánh cho các quốc gia nghèo nhất.

Theo ông Gill, rằng nếu muốn thoát khỏi tình trạng khẩn cấp kéo dài và đạt được các mục tiêu phát triển quan trọng, các nước nghèo nhất cần phải tăng cường đầu tư với tốc độ chưa từng có.

Ngoài ra, báo cáo của WB nhấn mạnh rằng nỗ lực xóa đói giảm nghèo đã gặp nhiều khó khăn, và ngân hàng này đang nỗ lực huy động 100 tỷ USD để bổ sung quỹ tài chính cho các quốc gia nghèo nhất thông qua IDA.

Theo WB, các nước nghèo, với thu nhập bình quân đầu người dưới 1.145 USD/năm, ngày càng phụ thuộc vào khoản viện trợ của IDA và khoản vay lãi suất gần bằng 0.

IDA thường được bổ sung nguồn quỹ 3 năm/lần thông qua khoản đóng góp từ các quốc gia thành viên WB. Tổ chức này đã huy động kỷ lục 93 tỷ USD vào năm 2021./.