Chứng khoán tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng trong kỷ nguyên mới
Thị trường chứng khoán ngày càng thể hiện là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Ảnh tư liệu

Những thành tựu đáng ghi nhận

Trải qua 1/4 thế kỷ hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc trên nhiều phương diện. Từ khởi điểm khiêm tốn ban đầu, chỉ số VN-Index sau 25 năm đã vượt đỉnh 1.500 điểm. Đáng chú ý, chỉ số VN30 đã thiết lập mức kỷ lục mới 1.669,33 điểm vào ngày 25/7 vừa qua, vượt khá xa so với đỉnh năm 2022.

Từ 2 mã cổ phiếu đầu tiên là REE và SAM, hiện nay thị trường đã có hơn 1.600 mã chứng khoán, trong đó có hơn 700 mã niêm yết trên HOSE và HNX, cùng gần 900 mã đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

Về quy mô vốn hóa, thị trường đã tăng trưởng mạnh mẽ từ mức chỉ 0,28% GDP khi thành lập, thì đến nay đã đạt gần 100% GDP của năm 2024 (cổ phiếu, trái phiếu). Riêng sàn HOSE có giá trị vốn hóa khoảng 5,91 triệu tỷ đồng với 391 doanh nghiệp niêm yết, trong đó nhiều tập đoàn lớn có vốn hóa lên tới hàng tỷ USD. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng của thị trường.

Thanh khoản thị trường cũng ghi nhận sự tăng trưởng ổn định. Trong tháng 7/2025, khối lượng giao dịch trung bình đạt khoảng 1,2 tỷ cổ phiếu mỗi phiên, tương đương giá trị trên 1 tỷ USD – cao nhất khu vực Đông Nam Á, gấp 4 - 5 lần mức thanh khoản của những năm 2000.

Sự phát triển mạnh mẽ đã thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, khi chứng khoán được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu. Từ chỉ 3.000 tài khoản năm 2000, đến cuối tháng 6/2025, thị trường đã có hơn 10 triệu tài khoản, tương đương khoảng 10% dân số Việt Nam, mục tiêu đạt 11 triệu tài khoản vào năm 2030 nhiều khả năng sẽ được hoàn thành sớm.

Bên cạnh nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư nước ngoài cũng đóng vai trò đáng kể, hiện chiếm khoảng 15% tổng sở hữu toàn thị trường. Nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi, dòng vốn ngoại có thể tăng đáng kể, với lượng hút ròng ước tính khoảng 1 tỷ USD từ các quỹ ETF, chưa kể dòng vốn từ các quỹ chủ động có thể cao hơn nhiều lần trong dài hạn.

Cùng với đó, trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, thị trường liên tục đón nhận các sản phẩm mới. Nổi bật là sự ra đời của giao dịch phái sinh trên chỉ số VN30, cung cấp công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư. Việc rút ngắn chu kỳ thanh toán cũng đã góp phần gia tăng thanh khoản. Đồng thời, Hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) được chính thức đưa vào vận hành đã nâng cao năng lực vận hành và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.

Kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp

Thời gian qua, thị trường chứng khoán giúp các doanh nghiệp huy động vốn một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn thông qua phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu. Điều này tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô và đầu tư vào các dự án lớn, góp phần tăng trưởng kinh tế. Tính đến cuối năm 2024, tổng vốn điều lệ bình quân của các doanh nghiệp niêm yết tại HOSE đạt hơn 4,2 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với năm 2015. Trong vòng 25 năm, tổng giá trị vốn huy động qua phát hành thêm cổ phiếu đã vượt 520 nghìn tỷ đồng.

Ngoài vai trò huy động vốn, thị trường chứng khoán còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thông qua hoạt động đấu giá, phát hành lần đầu hoặc chào bán riêng lẻ.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cũng tạo ra một sân chơi cho các nhà đầu tư, giúp họ phân bổ vốn một cách hiệu quả dựa trên khả năng sinh lợi của các doanh nghiệp. Qua đó, nguồn lực của nền kinh tế được hướng tới các ngành, lĩnh vực có khả năng phát triển cao nhất. Nếu tính từ đầu năm 2020 đến nay, chỉ số VN-Index đạt mức tăng trưởng trung bình 8,4%/năm, chưa bao gồm lợi nhuận từ cổ tức, cho thấy tỷ suất sinh lời của thị trường tốt hơn so với kênh tiền gửi ngân hàng.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp lớn đến từ nhiều ngành chủ lực của nền kinh tế như ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng, sản xuất đã niêm yết trên thị trường. Do vậy, thị trường chứng khoán phản ánh phần nào sức khỏe của nền kinh tế, giúp Chính phủ, nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách đưa ra các quyết định phù hợp hơn.

Thị trường chứng khoán cũng góp phần thúc đẩy minh bạch, cạnh tranh và quản lý doanh nghiệp tốt hơn. Để tham gia thị trường chứng khoán, các công ty niêm yết phải tuân thủ các quy định về công bố thông tin, minh bạch hoạt động. Đồng thời, việc có sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư nước ngoài cũng tạo động lực cho các doanh nghiệp học hỏi, nâng cao năng lực quản trị cũng như hiệu quả kinh doanh từ môi trường quốc tế.

Chia sẻ về những thành quả của thị trường chứng khoán 25 năm qua, ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital đánh giá, vai trò và thành công lớn nhất là thị trường đã hòa nhập, động viên, giúp đỡ tạo nền cho các thành phần khác trong nền kinh tế tham gia đóng góp vào GDP cho sự nghiệp phát triển của đất nước.

Cụ thể đó là, với doanh nghiệp tư nhân (chiếm trên 50% các doanh nghiệp niêm yết), quy mô và các mô hình quản trị, hiệu quả của các doanh nghiệp này cao hơn hẳn so với trước khi có thị trường. Mặt khác, thị trường chứng khoán đã đóng vai trò rất lớn trong chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước nên niêm yết để minh bạch, hiệu quả hơn.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) nhận thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã “trưởng thành” cả về lượng và chất. Nếu giai đoạn đầu, sự phát triển chủ yếu được đo bằng số lượng doanh nghiệp, điểm số hay lượng tài khoản, thì nay, điều đáng ghi nhận hơn là năng lực tự thích nghi và phát triển bền vững. Một ví dụ rõ nét gần đây là việc thị trường đã vượt qua giai đoạn khó khăn do căng thẳng thuế quan và biến động kinh tế toàn cầu.

Theo bà Hằng, thị trường chứng khoán Việt Nam ngày nay đã trở thành một cấu phần quan trọng trong hệ thống tài chính quốc gia, đóng vai trò huy động vốn trung và dài hạn, phản ánh kỳ vọng kinh tế và là kênh đầu tư thiết yếu cho mọi tầng lớp. Đó là sự trưởng thành thực sự, không chỉ của thị trường, mà còn của cả cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cùng nhau kiến tạo nên.

Dòng suối nhỏ thành dòng sông tài chính mạnh mẽ

Thị trường chứng khoán không chỉ là chiếc cầu nối vốn giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp, mà còn là tấm gương phản chiếu sức khỏe nền kinh tế và là động cơ thúc đẩy minh bạch, cạnh tranh và đổi mới. Trong hành trình phát triển, thị trường chứng khoán đã hóa thân từ một dòng suối nhỏ thành dòng sông tài chính mạnh mẽ, dẫn nguồn lực đến những vùng đất tiềm năng, nuôi dưỡng sự thịnh vượng dài lâu cho quốc gia.