![]() |
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang cho thấy sự hấp dẫn của dòng tiền nhà đầu tư. Ảnh: DŨNG MINH |
PV: Thưa bà, SSI vinh dự là đơn vị duy nhất đồng hành cùng Đoàn công tác của FTSE Russell tại Việt Nam vào ngày 17/7 vừa qua. Bà có thể chia sẻ đôi nét về buổi làm việc giữa Đoàn và lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính không?
![]() |
Bà Nguyễn Ngọc Anh: Chuyến công tác ngày 17/7 vừa qua thực sự đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, khi FTSE Russell đã có cơ hội gặp gỡ Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Tài chính. Đây là minh chứng cho quyết tâm của Chính phủ trong lộ trình nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, hướng tới xây dựng một thị trường hiện đại, liên kết chặt chẽ với thị trường vốn toàn cầu.
FTSE Russell đánh giá cao những nỗ lực cải cách gần đây, đặc biệt là việc bãi bỏ quy định nhà đầu tư phải có đủ tiền trước khi đặt mua chứng khoán. Họ cũng ghi nhận thanh khoản của thị trường Việt Nam đã vượt nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore (theo báo cáo của Morgan Stanley). Để duy trì đà phát triển, FTSE Russell đề xuất tập trung vào ba giải pháp: đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài, áp dụng cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) và nới lỏng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Theo ước tính, khi được nâng hạng, Việt Nam có thể thu hút thêm khoảng 1 tỷ USD từ các quỹ chỉ số và 4 tỷ USD từ quỹ chủ động.
PV: Cùng với nỗ lực của cơ quan quản lý và các bên liên quan trong suốt thời gian qua, bà có đánh giá thế nào về khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9 tới?
Bà Nguyễn Ngọc Anh: Qua trao đổi với FTSE Russell và các nhà đầu tư quốc tế là khách hàng của SSI, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, Việt Nam có thể được FTSE thông báo nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá tháng 9 tới đây. Đây là thành quả sau những nỗ lực không ngừng nghỉ từ các thành viên thị trường và cũng là động lực để chúng ta tiếp tục nỗ lực cố gắng cho mục tiêu lớn hơn với thị trường vốn Việt Nam.
PV: Bên cạnh các yếu tố vĩ mô tích cực, thị trường chứng khoán đang cho thấy “sức nóng” nhờ kỳ vọng nâng hạng. Phải chăng, dòng tiền đang đón đầu kết quả tích cực của tiến trình nâng hạng, thưa bà?
Bà Nguyễn Ngọc Anh: Đúng vậy. Dòng tiền luôn đi trước các cơ hội, và kỳ vọng nâng hạng đang là động lực chính thúc đẩy thị trường. Với những cải cách mạnh mẽ từ Chính phủ và tín hiệu tích cực từ các tổ chức đánh giá, dòng vốn đang cho thấy niềm tin rõ rệt.
Tôi tin rằng, khi thông tin nâng hạng được công bố vào tháng 9/2025, thị trường sẽ đón thêm nhiều dòng tiền mới, tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đối với SSI, chúng tôi cũng đã có sẵn những kịch bản chuẩn bị để tận dụng tối đa cơ hội này.
PV: Một tín hiệu cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm đó là khối ngoại giao dịch tích cực trở lại trong nửa đầu tháng 7. Theo bà, liệu rằng động thái đó đã đủ cơ sở để khẳng định khối ngoại sẽ đảo xu thế từ bán ròng kéo dài sang mua ròng hay chưa? Vì sao?
Bà Nguyễn Ngọc Anh: Khối ngoại mua ròng 500 triệu USD trong ba tuần đầu tháng 7 là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy niềm tin vào thị trường Việt Nam.
Từ đáy 1.094,3 điểm ngày 9/4, sau 4 phiên giảm mạnh, thị trường đã phục hồi ấn tượng, đạt 1.531,13 điểm vào ngày 25/7, tăng gần 40%, đưa Việt Nam vào nhóm thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Thỏa thuận thuế quan Việt Nam – Hoa Kỳ do Tổng thống Donald Trump công bố đã kích hoạt làn sóng mua ròng từ nhà đầu tư nước ngoài, phản ánh kỳ vọng cao vào sự phát triển kinh tế Việt Nam và hiệu quả từ các chính sách quyết liệt của Chính phủ, bao gồm tái cấu trúc thị trường, thúc đẩy kinh tế tư nhân, chuyển đổi số...
Bên cạnh đó còn có hàng loạt biện pháp cải cách trọng tâm cho thị trường để gia tăng sức hút đối với dòng vốn ngoại, như gỡ bỏ yêu cầu nhà đầu tư phải có đủ tiền trước khi đặt lệnh mua (NPF), Hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) được vận hành, nâng cấp hạ tầng công nghệ, đảm bảo tốc độ và độ tin cậy. Thủ tục mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài được đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi hơn. Hệ thống đối tác bù trừ trung tâm (CCP) và giải pháp tài khoản tổng (omnibus) kỳ vọng sẽ tối ưu hóa quản lý dòng vốn, trong khi các giải pháp khai thông IPO, niêm yết, đa dạng hóa sản phẩm tài chính, và xây dựng quỹ đầu tư quy mô lớn tiếp tục củng cố vị thế thị trường.
Những bước đi này không chỉ đáp ứng tiêu chí của FTSE Russell, mà còn thể hiện cam kết xây dựng một thị trường minh bạch, hiện đại, và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Dù vậy, để xác định xu hướng mua ròng bền vững, cần theo dõi thêm diễn biến vĩ mô toàn cầu. Ở vai trò công ty chứng khoán hàng đầu, SSI lạc quan rằng, Việt Nam đã và đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn nhất khu vực đối với dòng tiền khối ngoại, đồng thời sẽ tiếp tục hỗ trợ để duy trì đà tăng trưởng này.
PV: Xin cảm ơn bà!
Những nỗ lực bước đầu được ghi nhậnNhờ vào nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời gian qua, thị trường chứng khoán trong nước đã hội tụ gần như đầy đủ các tiêu chí của FTSE Russell để được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Tuy nhiên, khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng vẫn phụ thuộc rất nhiều vào đánh giá và trải nghiệm của các nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, một trong những thay đổi lớn nhất, chính là việc Nhà nước cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được phép giao dịch mà không yêu đủ 100% tiền (Non-Prefunding - NPF) vào tháng 11/2024. Với những thay đổi trên, kỳ vọng được nâng hạng thị trường chứng khoán của Việt Nam là khá lớn. Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, nâng hạng không phải đích đến mà thị trường chứng khoán vẫn phải tiếp tục giải pháp duy trì xếp hạng và hướng đến xếp hạng cao hơn, với mục tiêu cao nhất là phát triển thị trường theo hướng ngày càng minh bạch, công bằng, hiện đại, đáp ứng chức năng kênh thu hút và phân bổ vốn trung, dài hạn nền kinh tế. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã phối hợp với Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) để đưa ra lộ trình và công bố lộ trình triển khai mô hình Cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường. Dự kiến thời gian chuẩn bị 1 năm đến 1,5 năm để triển khai chính thức. Sau khi được nâng hạng, Việt Nam cũng cần có danh mục đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, cần phải tăng cường minh bạch hóa công bố thông tin, phát triển sản phẩm xanh, sạch, ESG, phù hợp với các quỹ hiện nay, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận dễ dàng hơn. |