Đại hội thu hút được hơn 500 đại biểu quốc tế và trong nước. Ảnh: H.Q
Ngày 16/10, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hội Địa chất, tài nguyên khoáng sản và năng lượng Đông Nam Á đã khai mạc đại hội lần thứ 15 (GEOSEA XV) diễn ra vào ngày 16 và 17/10/2018.
Phát biểu chào mừng đại hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, GEOSEA được tổ chức thường kỳ 2 năm một lần, được xem là sự kiện hàng đầu về khoa học địa chất trong khu vực. Năm nay, Việt Nam rất vinh dự là nước chủ nhà đăng cai tổ chức đại hội lần thứ 15.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, đại hội cũng là diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm, thành tựu mới nhất về khoa học công nghệ và quản lý trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản và năng lượng, hướng tới phát triển bền vững của các quốc gia.
“Chủ đề của đại hội lần này là: Khoa học địa chất và tài nguyên trái đất hướng tới phát triển bền vững. Đây là vấn đề cấp bách đặt ra đối với toàn cầu và khu vực trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng kết hợp với tai biến địa chất đang đe dọa đời sống, sinh kế của người dân như thảm họa động đất, sóng thần ở Fukushima Nhật Bản năm 2011; động đất kết hợp sóng thần ở thành phố Palu, Indonesia mới đây hay sạt lở do mưa lũ ở một số nước trong đó có Việt Nam…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam đang tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học về trái đất, khoáng sản và tìm kiếm sử dụng các nguồn năng nượng mới. Với sự đa dạng về địa chất, tài nguyên khoáng sản, các nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam luôn sẵn sàng là địa chỉ để các tổ chức, các quốc gia, các nhà khoa học thực hiện các dự án hợp tác nghiên cứu về địa chất, tài nguyên và năng lượng...
PGS.TS Đỗ Cảnh Dương - Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam - Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam cho biết: Việt Nam có lịch sử nghiên cứu, điều tra địa chất và khoáng sản từ những năm cuối thế kỷ 19. Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất, điều tra khoáng sản các tỷ lệ 1:500.000, 1:200.000 trên toàn diện tích phần đất liền và tỷ lệ 1:50.000 đạt khoảng 73% diện tích.
Hoạt động điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản biển được đẩy mạnh từ những năm cuối thế kỷ 20, đã hoàn thành ở tỷ lệ 1:500.000 đới biển nông ven bờ (độ sâu 0 - 100m nước); đồng thời tỷ lệ 1:250.000, 1:100.000, 1:50.000 đã được hoàn thành ở một số khu vực biển.
Theo ông Đỗ Cảnh Dương, mục tiêu của Đại hội nhằm tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, nghiên cứu điều tra cơ bản địa chất, thăm dò, khai thác tài nguyên của trái đất trong cộng đồng các nước ASEAN và các nước khác trên thế giới; thúc đẩy hợp tác ASEAN trong lĩnh vực khoáng sản theo Kế hoạch Hành động hợp tác khoáng sản ASEAN giai đoạn 2016 - 2025.
Đại hội diễn ra trong hai ngày 16 và 17/10 năm 2018. Ngoài ra, có 5 tuyến thực địa trước và sau đại hội gồm: (1) Di sản thế giới Vịnh Hạ Long - Cát Bà; (2) Đới cắt trượt Sông Hồng - biến chất Hoàng Liên Sơn; (3) Đới Ophyolit Sông Mã - Rift Sông Đà; (4) Công viên Địa chất toàn cầu Đồng Văn; (5) Đới biến chất cao và siêu cao Kon Tum./.
Hồng Quyên