ke toan

Báo cáo tài chính chất lượng cao sẽ giúp nâng cao lòng tin của người dân và thị trường tài chính

Ông Fily Sissoko, Giám đốc Khối Quản trị, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chia sẻ về những lợi ích khi áp dụng chuẩn mực kế toán công vào Việt Nam trong thời gian tới.

* P.V: Ông có thể cho biết, việc áp dụng chuẩn mực kế toán trên thế giới theo xu hướng nào?

- Ông Fily Sissoko: Hiện nay trên thế giới, quá trình chuyển sang áp dụng kế toán dồn tích trong khu vực công đang là xu thế tất yếu. 25% các quốc gia đã và đang công khai báo cáo quyết toán tài chính của họ trên cơ sở dồn tích. Con số này dự kiến sẽ đạt 65% trong 5 năm tới.

fily
Ông Fily Sissoko

Tại khu vực Đông Á, các quốc gia như Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore đã ban hành chuẩn mực kế toán công tuân thủ với chuẩn mực kế toán công quốc tế (IPSAS). Các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức xã hội dân sự, các cơ quan giám sát, các tổ chức đầu tư và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng ngày càng đòi hỏi thông tin tài chính công chất lượng cao. Bên cạnh đó, có một thực tế là các cơ chế báo cáo và thống kê ngân sách từ trước đến nay vẫn được sử dụng trong phân tích tài khóa và tài chính cho khu vực công chưa thể hiện hết được thông tin đầy đủ như trên bảng cân đối tài sản.

Điều này được khẳng định qua báo cáo giám sát tài khóa tháng 10/2018 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với ghi nhận rằng bảng cân đối tài sản khu vực công trình bày được bức tranh toàn diện nhất về tài sản ròng của khu vực này. Bảng cân đối tài sản tập hợp được toàn bộ tài sản có và tài sản nợ dồn thuộc kiểm soát của Chính phủ, thể hiện được toàn bộ những gì Nhà nước sở hữu và nợ, qua đó mang đến bức tranh tài khóa toàn diện hơn để làm căn cứ cho các quyết định, ngoài những thông tin về nợ và bội chi.

* P.V: Việt Nam cần làm gì để áp dụng thành công chuẩn mực kế toán công, thưa ông?

- Ông Fily Sissoko: Chúng tôi cho rằng đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi lãnh đạo có quyết tâm chính trị cao và chuyên môn sâu để có thể xác định rõ mục tiêu cải cách, xây dựng các nhóm cải cách chuyên trách, quản lý chi phí và xây dựng một kế hoạch hành động cho quá trình chuyển đổi (có cân nhắc đến trình độ phát triển của hệ thống kế toán hiện hành), đồng thời tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ.

Do quy mô và mức độ tham vọng của cải cách, chúng tôi khuyến nghị nên cải cách theo lộ trình từng bước, bắt đầu bằng những chuẩn mực kế toán ít phức tạp. Chuẩn mực IPSAS 33 (dành cho các đơn vị lần đầu tiên áp dụng chuẩn mực kế toán công dồn tích IPSAS) là cơ chế tốt về áp dụng một số ngoại lệ trong quá trình chuyển đổi. Theo đó, các đơn vị lần đầu tiên áp dụng IPSAS trên cơ sở dồn tích sẽ có 3 năm để ghi nhận tài sản có và tài sản nợ cụ thể. Điều khoản này cho phép các đơn vị có đủ thời gian để xây dựng các mô hình ghi nhận và đo lường tài sản có và tài sản nợ trong giai đoạn chuyển đổi.

Bên cạnh đó, theo tôi, Việt Nam cần cân nhắc tới quy trình xây dựng chuẩn mực. Quy trình này cần được củng cố và về sau cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm khu vực tư nhân.

* P.V: Vậy lợi ích mang lại là gì, thưa ông?

- Ông Fily Sissoko: Chúng tôi tin rằng việc áp dụng những chuẩn mực kế toán tiên tiến như chuẩn mực kế toán công dồn tích IPSAS sẽ đem lại những lợi ích chính, bao gồm: Việc ra quyết định và quản lý rủi ro tài khóa tốt hơn; thứ đến là công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình sẽ được tăng cường.

Thực tế, Việt Nam là nền kinh tế thu nhập trung bình đang vươn dậy với tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng. Để chuyển đổi đầy đủ sang nền kinh tế thị trường và trở thành quốc gia có thu nhập cao, các bạn cần có năng lực ra quyết định và quản lý rủi ro tài khóa tốt hơn, đặc biệt liên quan đến vấn đề nợ và các nghĩa vụ dự phòng. Chuẩn mực kế toán tiên tiến sẽ cung cấp phương tiện và công cụ để các nhà hoạch định chính sách có góc nhìn toàn diện về tài sản ròng của khu vực công; toàn bộ tài sản có và tài sản nợ ở cấp trung ương và địa phương.

Chúng tôi tin rằng báo cáo tài chính chất lượng cao sẽ giúp nâng cao lòng tin của người dân và thị trường tài chính đối với các thể chế ở khu vực công, đồng thời giúp Việt Nam thực hiện kế hoạch cải thiện định mức tín nhiệm của Nhà nước. Các bằng chứng thực nghiệm trên thế giới cho thấy thông tin tài chính chất lượng cao là yếu tố được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và tổ chức đầu tư cân nhắc, đồng thời đem lại cơ hội thảo luận chính sách theo cách minh bạch và toàn diện hơn về cách thức quản lý tài sản ròng của khu vực công theo hướng bền vững hơn.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Phương Lan (thực hiện)