Theo đó, 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam (VPSAS) được công bố đợt 3 gồm: Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 3 "Các chính sách kế toán, thay đổi ước tính kế toán và các sai sót"; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 4 "Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái"; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 19 "Các khoản dự phòng, nợ phải trả tiềm tàng và tài sản tiềm tàng"; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 32 "Thoả thuận nhượng quyền dịch vụ - Bên cấp quyền"; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 43 "Thuê tài sản".

Bộ Tài chính công bố 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 3

Các chuẩn mực kế toán công mới được công bố đảm bảo dễ hiểu, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Ảnh: Thùy Dương

Tại quyết định này, Bộ trưởng Bộ Tài chính giao Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán (KTKT) kiểm toán, căn cứ nội dung các VPSAS đã ban hành, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi các chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị kế toán trong lĩnh vực công và các văn bản pháp luật có liên quan, phù hợp với quy định hiện hành về cơ chế tài chính công và ngân sách nhà nước, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị theo từng lĩnh vực hoạt động theo lộ trình phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính giao thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, đào tạo, phổ biến nội dung VPSAS, vận dụng các thông lệ tốt, phù hợp để làm căn cứ đề xuất và tham mưu cho Bộ về việc cải cách cơ chế chính sách trong khu vực công của Việt Nam.

Theo ông Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục KTKT, để công bố được 5 VPSAS đợt 3, trong quá trình xây dựng, đơn vị đã tiếp tục bám sát các nguyên tắc xử lý khác biệt với chuẩn mực kế toán công quốc tế, bao gồm khác biệt chuẩn mực kế toán công quốc tế với cơ chế tài chính, chế độ kế toán Việt Nam.

Việc soạn thảo VPSAS đợt 3 đã được đơn vị thực hiện từ năm 2022, đảm bảo các nội dung được nêu rõ, gắn với thực tế của Việt Nam; đảm bảo dễ hiểu và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Đơn vị cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu, hội thảo, tọa đàm, xin ý kiến để thống nhất các chuẩn mực. Đặc biệt, để ban hành được 5 VPSAS đợt 3 còn có sự đồng hành của Cục Kinh tế Liên bang Thụy sỹ (SECO) và Ngân hàng Thế giới (WB) từ năm 2022 đến năm 2024, thông qua các buổi thảo luận, trao đổi trực tiếp với chuyên gia để làm rõ các nội dung còn vướng mắc về nội dung 5 chuẩn mực, cách thức ban hành và tổ chức thực hiện theo thông lệ, kinh nghiệm của các nước.

Bộ Tài chính đã 2 lần công bố VPSAS với tổng số 11 chuẩn mực

- Tại Quyết định 1676/QĐ-BTC ngày 1/9/2021, Bộ Tài chính công bố 5 VPSAS đợt 1, gồm: VPSAS số 01 “Trình bày báo cáo tài chính”; VPSAS số 02 “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ”; CVPSAS số 12 “Hàng tồn kho”; VPSAS số 17 “Bất động sản, nhà xưởng và thiết bị”; VPSAS số 31 “Tài sản vô hình”.

- Tại Quyết định 1366/QĐ-BTC ngày 6/7/2022, Bộ Tài chính công bố 6 VPSAS được công bố đợt 2 gồm: VPSAS số 05 "Chi phí đi vay"; VPSAS số 09 "Doanh thu từ các giao dịch trao đổi"; VPSAS số 11 "Hợp đồng xây dựng"; VPSAS số 14 "Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm"; VPSAS số 23 "Doanh thu từ các giao dịch không trao đổi"; VPSAS số 24 "Trình bày thông tin ngân sách trong báo cáo tài chính".