Ngày 16/3, Công ty KPMG Việt Nam tổ chức diễn đàn trực tuyến “IFRS & Tương lai ngành tài chính – kế toán Việt Nam”, nhân dịp kỷ niệm 2 năm Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam (ngày 16/3/2020).

Áp dụng IFRS sẽ trả lại cho doanh nghiệp lớn sự tôn vinh xứng đáng
Các diễn giả tại diễn đàn.

Thay đổi quan niệm về công tác tài chính - kế toán

Phân tích về việc tại sao doanh nghiệp (DN) phải áp dụng IFRS, ông Nguyễn Thanh Nghị - Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho biết, yếu tố thúc đẩy đến từ các cộng đồng quốc tế như các nhà tài trợ quốc tế, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA… Cùng với đó là các yếu tố thu hút với các DN như: lợi ích trực tiếp tới từ việc thu hút vốn, niêm yết nước ngoài. IFRS sẽ là điều sẵn có và thuận lợi cho các DN trong mục đích này. Kinh nghiệm tư vấn của KPMG cho thấy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặt ra yêu cầu đầu tư là DN phải có báo cáo tài chính (BCTC) theo IFRS.

Những yếu tố trên cộng với Quyết định 345/QĐ-BTC của Bộ Tài chính quy định năm 2025 là thời hạn áp dụng bắt buộc với các DN chính là động lực để DN khẩn trương triển khai IFRS.

Bình luận về tác động có thể có của Quyết định 345 đối với nền kinh tế nói chung cũng như lĩnh vực tài chính kế toán và kiểm toán nói riêng, ông Trịnh Đức Vinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết, tác động là rất tích cực.

Cụ thể theo ông Vinh, Việt Nam là nước có độ mở nền kinh tế cao nên việc áp dụng IFRS là bắt buộc để có thể tăng cường sự phát triển của kinh tế và giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể hiểu biết được về thị trường cũng như nền tảng của nền kinh tế Việt Nam. Nhiều DN Việt Nam có xu hướng niêm yết trên thị trường quốc tế cũng như phát hành các công cụ vốn ra thị trường quốc tế. Đương nhiên, khi đã ra sân chơi lớn thì các DN không thể mang theo bản báo cáo tài chính lập theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) để nói chuyện với nhà đầu tư được, mà phải theo IFRS.

Tác động tiếp theo là tác động đến người làm công tác tài chính - kế toán tại Việt Nam, làm thay đổi quan niệm về công tác kế toán. Trước đây người làm công tác này chỉ là người ghi sổ kế toán nhưng hiện nay, người làm công tác tài chính kế toán phải là người lập báo cáo tài chính và tham mưu cho lãnh đạo DN ra các quyết định kinh tế… Muốn làm được điều đó thì kỹ năng của người làm công việc này phải thực sự thay đổi.

Theo ông Vinh, người làm công tác tài chính - kế toán trước hết phải là 1 nhà kinh tế, bởi vì các quy định của IFRS hướng đến việc phải chuyển hóa ngôn ngữ kinh doanh thành ngôn ngữ của BCTC phù hợp với bản chất và cách thức vận hành giao dịch. Nếu không phải là một nhà kinh tế hiểu biết được bản chất của các giao dịch kinh tế thì không thể truyền tải được ngôn ngữ kinh doanh lên BCTC một cách phù hợp.

Bên cạnh đó, IFRS sẽ tác động tới BCTC của DN bởi vì khi áp dụng, chuẩn mực này sẽ làm cho chất lượng của BCTC càng ngày càng tăng, giúp DN nâng cao trách nhiệm giải trình với các nhà đầu tư, từ đó góp phần gián tiếp vào bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư, hỗ trợ thị trường vốn và thị trường tài chính cũng như thị trường chứng khoán tại Việt Nam phát triển…

Cơ hội để các doanh nghiệp lớn định hình lại mình

Từ góc độ cơ quan quản lý các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) chia sẻ, với mục tiêu phát triển các DNNN lớn trở thành những DN trụ cột dẫn dắt nền kinh tế, đi đầu trong lĩnh vực cạnh tranh, chuyển đổi số và quản trị, việc thực hiện IFRS là động lực, là cơ hội để các DN lớn có thể định hình lại mình, thay đổi phương thức kinh doanh và hội nhập, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Thực hiện IFRS sẽ đảm bảo tính minh bạch hơn – là đích đến của quản trị DN theo thông lệ quốc tế. Thay đổi quản trị thì cần công cụ, IFRS là công cụ DN có thể minh chứng và áp dụng được ngay. Mặt khác, khi hội nhập, có rất nhiều nhiệm vụ kinh tế, ngành nghề kinh tế đang và sẽ phát sinh ở Việt Nam nhưng các quy định về kế toán và các chuẩn mực hiện nay của chúng ta chưa đề cập đến, các cơ chế tài chính cũng chưa đề cập đến nên các DN này đang gặp khó khăn. Vậy khi tiếp cận IFRS sẽ mở ra cơ hội để xây dựng các công cụ tài chính, các quy định về báo cáo để các DN này có thể hoạt động và phát triển được ở Việt Nam.

Về trách nhiệm giải trình, ông Tiến cho biết, từ trước đến nay, nhiều DNNN có quy mô rất lớn nhưng tài sản chưa chắc có đảm bảo sử dụng được không. Việc áp dụng IFRS giúp cho công chúng, Chính phủ, nhà đầu tư biết được sức khỏe của DN. Đó cũng là một trong những cơ hội cho các DN có thể huy động vốn, phát hành trái phiếu.

Theo ông Tiến, DN có thể “thông” được với bên ngoài qua “ngôn ngữ kinh doanh” là IFRS thì việc phát hành trái phiếu tự vay, tự trả, vay thương mại của các DN lớn cả tư nhân và DNNN sẽ thuận lợi hơn nhiều, trong đó quan trọng nhất là có thể đánh giá được hệ số tín nhiệm, hệ số minh bạch của DN, qua đó giảm bớt chi phí huy động vốn cũng như tạo niềm tin cho nhà cung cấp vốn.

Về hiệu quả kinh tế, ông Tiến cho rằng, khi áp dụng IFRS, DN có thể xác định được ngay sức khỏe của mình, giúp DN thấy được mình ở đâu và phòng ngừa được rủi ro, mở rộng được thị trường, làm cho các nhà đầu tư yên tâm cũng như làm cho việc quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước tốt hơn. Việc áp dụng IFRS cũng giúp ngành thuế và các lĩnh vực khác có thể quản lý tốt hơn…

“Với cộng đồng DN, việc áp dụng chuẩn mực kế toán mới này với 3 lợi ích minh bạch - tính giải trình và hiệu quả kinh tế sẽ trả lại cho DN lớn sự tôn vinh xứng đáng, tránh tình trạng thời gian vừa qua dư luận cứ nhìn vào các DN lớn là thấy sụp đổ hay có gì đó không minh bạch” - ông Tiến nhấn mạnh./.