![]() |
Trong 4 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 944.100 tỷ đồng. Ảnh minh họa |
Thu ngân sách đã đạt 48% dự toán
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Tài chính, trong 4 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 944.100 tỷ đồng, tương đương 48% dự toán và tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2024. Thu ngân sách trung ương đạt 46,7% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt 49,4%.
Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 17.300 tỷ đồng, bằng 32,6% dự toán, giảm 12% so cùng kỳ năm 2024. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 99.100 tỷ đồng, bằng 42,2% dự toán, tăng 11,7% so cùng kỳ năm 2024, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 137.200 tỷ đồng, bằng 33,4% dự toán, tăng 8,2% so cùng kỳ; hoàn thuế giá trị gia tăng khoảng 38.100 tỷ đồng, bằng 21,6% dự toán, xấp xỉ cùng kỳ.
Điểm đáng chú ý là thu nội địa ước đạt 827.200 tỷ đồng, tương đương 49,6% dự toán và tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ các khoản thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, cổ tức, lợi nhuận và chênh lệch thu của Ngân hàng Nhà nước, thu thuế, phí nội địa ước đạt 45,7% dự toán, tăng 17% so với cùng kỳ.
Sự tăng trưởng này phần lớn nhờ vào nền kinh tế quý IV/2024 có mức tăng trưởng GDP 7,55% và cả năm đạt 7,09%, cùng với đà tăng trưởng tiếp tục trong những tháng đầu năm 2025. Đáng chú ý, các doanh nghiệp đã tạm nộp cổ tức, lợi nhuận còn lại cho 3/5 kỳ, ước đạt 51.400 tỷ đồng, tương đương 67,1% dự toán và tăng 111,9% so với cùng kỳ.
Một số khoản thu khác cũng có tiến độ khả quan như: thuế thu nhập cá nhân đạt 49,2% dự toán (tăng 18,9%), thu xổ số kiến thiết đạt 53,4% dự toán (tăng 18,1%), thu khác ngân sách đạt 49,9% dự toán (tăng 8,6%).
Về thu trên địa bàn, có 34 trên 63 địa phương đạt trên 40% dự toán thu nội địa, 53 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ, trong khi một số địa phương vẫn có tiến độ thu thấp dưới 30% dự toán, cho thấy sự phân hóa rõ nét trong công tác thu ngân sách giữa các địa phương.
Đáng chú ý, số thu từ ba khu vực kinh tế (chiếm khoảng 49,3% dự toán thu nội địa) trong 4 tháng đầu năm ước đạt gần 400.000 tỷ đồng, tương đương 48,6% dự toán và tăng 16,8% so với cùng kỳ. Cụ thể, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 54,2% dự toán (tăng 26,2%), khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 47,2% dự toán (tăng 16,3%), còn khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 39,3% dự toán nhưng giảm 2,4% so với cùng kỳ. Điều này phản ánh sự phát triển tích cực của khu vực tư nhân và FDI, trong khi khu vực nhà nước cần có giải pháp để cải thiện hiệu quả hơn về đóng góp vào ngân sách.
Một phần nguyên nhân tác động đến tăng trưởng thu là hiệu quả trong quản lý thu thuế. 4 tháng qua, cơ quan Thuế đã thực hiện 10.900 cuộc thanh tra, kiểm tra; qua đó kiến nghị xử lý tài chính 17.700 tỷ đồng, trong đó thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 4.500 tỷ đồng, giảm khấu trừ và giảm lỗ 13.200 tỷ đồng; đồng thời tập trung đôn đốc thu hồi và xử lý nợ đọng thuế ước đến hết tháng 4 đạt khoảng 30.400 tỷ đồng.
Phấn đấu hoàn thành thu ngân sách ở mức cao nhất
Theo ông Vũ Đức Hội - Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), để đảm bảo tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên thì số thu ngân sách nhà nước phải tăng khoảng 10% so với năm 2024.
Trước áp lực này, ngay từ những ngày đầu năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã chỉ đạo các cơ quan thu tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh. Đồng thời, đẩy mạnh chống thất thu; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử; quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế; phấn đấu hoàn thành thu ngân sách nhà nước năm 2025 ở mức cao nhất.
Ngành Tài chính cũng chú trọng phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rủi ro và phân tích, phân loại đối tượng quản lý thuế. Các đơn vị trong ngành phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và các sở, ngành, địa phương để xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ. Bên cạnh đó, phối hợp với công an và quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ giá cả hàng hóa, quản lý thương mại điện tử, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hàng kém chất lượng, nhằm chống thất thu ngân sách và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thu hút đầu tư, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Những giải pháp đồng bộ này được xem là trụ cột quan trọng góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2025, đảm bảo tăng trưởng thu ngân sách ổn định và bền vững.
Giảm, gia hạn khoảng 67.000 tỷ đồng tiền thuế Tổng số tiền đã giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 4/2025 khoảng 67.000 tỷ đồng. Trong đó bao gồm các chính sách triển khai trong năm 2024 tiếp tục thực hiện làm giảm thu ngân sách trong năm 2025 và các chính sách ban hành, có hiệu lực thực hiện trong năm 2025, như: chính sách giảm thuế giá trị gia tăng; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (ethanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu bay; gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. |